Mark Zuckerberg vừa lên tiếng đòi quốc hội Mỹ viết lại luật để Facebook thêm hùng mạnh


Trong văn bản tuyên thệ trước khi bắt đầu ra điều trần trước Ủy ban Năng lượng và Thương mại của Hạ viện Mỹ, CEO Facebook vừa cho rằng quốc hội Mỹ nên cân nhắc việc viết lại “Khoản 230”, điều luật liên quan tới trách nhiệm của các công ty về nội dung của người dùng đăng tải lên những dịch vụ đó. Nói một cách ngắn gọn và dễ hiểu thì, Zuckerberg đang cố gắng tìm cách bảo vệ bằng mọi giá những gì MXH lớn nhất hành tinh đang nắm trong tay, tìm mọi cách bảo vệ Facebook khỏi sự cạnh tranh và khỏi luật pháp, thay vì cố gắng sửa chữa những thứ không hoàn hảo của Facebook.

Nhắc lại, “Khoản 230” ở đây thuộc Communications Decency Act, Đạo luật Chuẩn mực Truyền thông, qua đó cho phép các nền tảng dịch vụ trực tuyến có quyền quản lý những nội dung mà người dùng đăng tải, cũng như bảo vệ chính các công ty lẫn người dùng ấy khỏi hậu quả của những từ ngữ sai trái, kích động mà người dùng các dịch vụ đăng lên mạng internet. Nói ví von, Khoản 230 ấy chính là “26 từ tiếng Anh tạo ra mạng internet” như ngày hôm nay:

Không nhà cung cấp nội dung hay người dùng của một dịch vụ máy tính tương tác bị coi là tác giả hoặc phát ngôn viên cho bất kỳ thông tin nào được cung cấp bởi một đơn vị nội dung khác.

Nói dễ hiểu, Khoản 230 này bảo vệ mọi trang web và dịch vụ đăng tải và lưu trữ nội dung trực tuyến khỏi những vụ kiện liên quan đến những nội dung mà người dùng đăng tải. Lấy ví dụ có người mắng chửi, phỉ báng anh em trên Facebook, thì nhờ Khoản 230 này, anh em không thể kiện Facebook vì dịch vụ đó giúp những từ ngữ tấn công anh em tồn tại được. Nhưng nếu Khoản 230 được viết lại theo hướng có lợi cho người dùng hơn, hoặc thậm chí bị loại bỏ, thì lại là chuyện khác, khi đó anh em có thể vác luật sư đi kiện Zuckerberg vì mình bị người khác vu khống và bắt nạt trên MXH.

Đầu năm nay, thượng nghị sĩ Mark Warner đưa ra dự thảo luật An toàn Công nghệ, qua đó loại bỏ mọi cách bảo vệ các tập đoàn công nghệ lớn khỏi nội dung người dùng đăng lên, nếu nội dung đó có liên quan tới tiền bạc. Dù các nhà lập pháp Mỹ cho rằng bộ luật này sẽ đánh vào các đơn vị quảng cáo trực tuyến, nhưng bản chất bộ luật khiến việc vận hành một dịch vụ trực tuyến hoặc một trang web gần như bất khả thi.

Đối với Facebook, dự thảo luật An toàn Công nghệ là một cái gai không bé chút nào. Họ đang là MXH lớn nhất hành tinh, và là đơn vị bán quảng cáo trực tuyến lớn thứ nhì thế giới sau Google (hay đúng hơn là tập đoàn Alphabet). Giữa lúc họ đang bị điều tra chống độc quyền vì những thương vụ mua lại Instagram và WhatsApp, cũng như bị giới chức nhiều nước soi xét kỹ càng vì khả năng kiểm soát thị trường quảng cáo trực tuyến, Facebook đang cố hết sức để đóng vai những công dân tốt của mạng toàn cầu.

Dĩ nhiên họ cố gắng làm điều đó không phải nhờ vào việc truy quét đến cùng những nội dung xuyên tạc trái sự thật về nhiều vấn đề trên thế giới: Dịch bệnh, virus, khoa học, môi trường, sắc tộc… Mà thực tế buổi điều trần diễn ra vào thứ 5 tuần tới được quốc hội Mỹ tổ chức đúng vì lý do đó chứ đâu? Mục tiêu sau cùng của Facebook là chớp lấy thời cơ, đòi quốc hội Mỹ viết lại luật, từ đó củng cố thêm quyền lực, cho phép Facebook đè bẹp đối thủ cạnh tranh dễ dàng hơn. Mời anh em đọc một đoạn tuyên thệ bằng văn bản của Zuckerberg:

Chúng tôi tin rằng Quốc hội Mỹ nên cân nhắc việc bảo vệ trách nhiệm pháp lý trung gian của các nền tảng trực tuyến đối với những nội dung bất hợp pháp có điều kiện, dựa trên khả năng của công ty trong việc đáp ứng các phương pháp tốt nhất để chống lại sự lan truyền của những nội dung như vậy. Thay vì cấp quyền miễn trừ trách nhiệm, các nền tảng phải chứng minh họ có những hệ thống phát hiện và gỡ bỏ những nội dung bất hợp pháp. Các nền tảng sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu có những nội dung lọt qua hệ thống kiểm duyệt. Với một nền tảng có hàng tỷ bài đăng mỗi ngày, kiểm duyệt toàn bộ là điều không thực tế chút nào, nhưng vẫn cần phải có hệ thống thích hợp để xử lý những bài đăng sai trái.

Đọc lướt qua thì lời của Zuckerberg không sai chút nào về mặt pháp lý. Nhưng phía sau từng câu chữ, khi lắp ghép với tham vọng của Facebook thì có thể hiểu theo một nghĩa hoàn toàn khác. Cơ bản, CEO Facebook đang muốn những nền tảng trực tuyến được bảo vệ hoàn toàn khỏi trách nhiệm pháp lý tiềm ẩn xoay quanh những nội dung sai trái, NẾU nền tảng đó có một hệ thống kiểm duyệt nội dung. Chỉ cần đội ngũ kiểm duyệt tồn tại, lý luận của Zuckerberg là các tập đoàn công nghệ sẽ được quyền miễn trừ trách nghiệm pháp lý. Còn đội ngũ kiểm duyệt đó làm việc không hiệu quả, thì đấy lại “không phải lỗi của chúng tôi, nhiều quá soát sao hết được?


Hiện giờ, đội ngũ kiểm duyệt nội dung của Facebook đang có khoảng 35.000 nhân sự. Để tiện so sánh, Apple hiện giờ có gần 150.000 nhân sự toàn thế giới, còn Netflix tổng cộng chỉ có 9.400 người mà thôi. Facebook đang dùng lượng người nhiều gấp gần 4 lần Netflix chỉ để theo dõi nội dung của hàng tỷ bài đăng hàng ngày trên MXH này. Chia ra, mỗi moderator của Facebook chịu trách nhiệm quản lý nội dung cho trung bình 80.000 người dùng MXH.

Ngay cả như thế, Facebook vẫn còn quá nhiều nội dung sai trái được đăng tải và chia sẻ hàng ngày. Anh em thử nghĩ mà xem, nếu đội ngũ moderator của Facebook mà làm việc hiệu quả, chuẩn mực và chính xác, thì làm gì có những tin “người dùng Facebook bị phạt 12 triệu Đồng vì đưa tin sai” trên báo và truyền hình, đúng không? Nếu đội ngũ mod của Facebook làm việc hiệu quả, những nội dung sai lệch đó chỉ cần chưa đầy 1 tiếng là đã bị gỡ rồi. Lời nói của Zuckerberg rất rõ ràng, anh này muốn một dịch vụ trực tuyến được đánh giá bởi “hệ thống kiểm soát”, chứ không phải bị đánh giá bởi mức độ hiệu quả của chính hệ thống kiểm soát đó. Nếu một MXH có tới hơn 3 vạn người kiểm soát nội dung mà còn làm không nổi, thì một startup MXH với chỉ vài chục người thì làm thế nào?

Điều đó dẫn chúng ta đến với tham vọng cạnh tranh của MXH lớn nhất hành tinh. Nếu không có Khoản 230, không một dịch vụ nổi tiếng nào anh em dùng ngày hôm nay có thể tồn tại cả. Sẽ không có Facebook, không có Google, không có Instagram và không có cả YouTube, vì không có Khoản 230 bảo vệ họ, thì họ suốt ngày sẽ bị người dùng kiện vì những thông tin mà họ cho là không phù hợp. Tiền đâu đi hầu tòa suốt?

Tương tự như vậy, cũng sẽ không có những dịch vụ nhỏ hơn, như Etsy hay Shopify, hay trang blog anh em hay thích đọc cũng sẽ chẳng bao giờ có mục bình luận. Nói theo kiểu của Zuck, thì sẽ không có một dịch vụ trực tuyến nào (kể cả Facebook) đủ khả năng quản lý nội dung đăng tải ở quy mô lớn đến như vậy. Từ đó, tham vọng của Facebook cũng rõ ràng. Nếu khoản 230 được viết lại theo ý của Facebook, thì các startup trong tương lai cũng thôi dẹp luôn ý tưởng khởi nghiệp đi, vì không cạnh tranh nổi sức mạnh bá quyền của Facebook trong tương lai đâu.

Và với văn bản tuyên thệ vừa gửi lên Hạ viện Mỹ, Mark Zuckerberg vừa “đòi” các nhà lập pháp của cả một cường quốc làm theo ý mình.

Theo TinhTe/Inc

full-width

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn