Sau phần 1, tôi có nhận được một vài ý kiến phản hồi là phân tích vẫn còn chung chung quá. Thực sự thì khi tôi đọc lại cũng thấy ...chung chung luôn ^_^. Có lẽ là do nhóm một là những công ty lớn nhiều sản phẩm, nên việc phân tích không thể hướng đến các sản phẩm cụ thể mà chỉ có thể đi lòng vòng bên ngoài chiến lược chung của từng công ty. Sang phần hai thì các công ty là những sản phẩm rất cụ thể và nằm trong lĩnh vực tìm kiếm tôi cũng đã ít nhiều có kinh nghiệm, nên hi vọng các phân tích sẽ rõ ràng hơn.
Nhóm 2: Những đối thủ của Google tại thị trường Việt Nam
Socbay.com là một công cụ tìm kiếm được phát triển từ một nghiên cứu đã đạt được một số giải thưởng trong nước do năm chàng trai 8x có chung niềm đam mê về CNTT cùng hợp tác xây dựng khi họ còn trên ghế nhà trường. Được VDC hỗ trợ và sau đó là IDGVV đầu tư, họ đã quyết định thành lập công ty vào cuối năm 2006 với khát vọng nâng công cụ tìm kiếm này lên một tầm cao hơn. Với những giải thưởng có được cùng một khát vọng của những con người trẻ, có thể nói vào thời điểm đó, rất nhiều người xem đây là một sản phẩm triển vọng và sẽ là một "Baidu của Việt Nam" trong tương lai.
Và tất nhiên tôi cũng là một trong những fan của họ và thực lòng cũng rất muốn xem Việt Nam sẽ có một sản phẩm mạnh mẽ có thể "đấu" với Google. Nên tôi đã theo dõi sát sao những bước đi của sản phẩm này trong suốt hai năm sau đó. Nhưng thực sự không hiểu điều gì đã xảy ra, gần như không có bất kì một sự cải thiện chất lượng trong công cụ tìm kiếm của họ, trong khi Google ngày càng tốt hơn. Có lẽ tìm kiếm Web đã là một cuộc chơi quá tầm đối với những con người trẻ tuổi này, cộng với việc xuất phát điểm quá trễ của Socbay trong giai đoạn mà Google đã bắt đầu có nguồn lợi nhuận khổng lồ, cỗ máy của họ đã vượt xa thuật toán PageRank của hai nhà sáng lập ban đầu. Trong khi đó Socbay thì vẫn loay hoay với bài toàn làm sao để "xử lý tiếng Việt" tốt hơn của mình.
Socbay cũng đã nhận ra điều đó và không còn cách nào khác, họ buộc phải tìm một chiến lược mới hơn là vô vọng đấu với Google mãi như thế này. Và con đường họ chọn là triển khai ứng dụng tìm kiếm của họ trên hàng loạt các lĩnh vực khác: Sách, Mp3, Video, Từ điển, Địa điểm... và thậm chí cả ...Du Lịch. Tuy nhiên với việc làm quá dàn trải các sản phẩm, họ không có thời gian để trau chuốt từng sản phẩm của mình. Cách thiết kế các sản phẩm kém về chất lượng cũng như hình thức nên vẫn không có nhiều người dùng đến với họ (Tôi nhớ Socbay vẫn còn ngụp lặn ngoài phạm vi Top 100.000 Alexa vào nửa cuối 2008)
Vào thời điểm hiện tại khi vào lại Socbay.com, chỉ còn lại 6 dịch vụ cơ bản là: Tin tức, Nhạc, Video, Rao vặt, Từ điển, Hình ảnh. Có lẽ Socbay đã hoàn toàn đầu hàng trên lĩnh vực Web Search để hướng đến tìm kiếm doanh nghiệp làm lĩnh vực chủ lực của mình, điển hình là các sản phẩm cho: Vinaphone, Thodia.vn, Yeuamnhac.com... Đây quả thực là một chiến lược đứng đắn bởi không ai hiện ở Việt Nam có tiềm năng như họ. Có lẽ đó cũng là lý do mà Softbank cũng đã tiếp tục nhảy vào.
Nhưng thực sự về quan điểm cá nhân, tôi thấy vẫn chưa có một sự quyết đoán và rõ ràng từ đội ngũ lãnh đạo công ty non trẻ này. Có lẽ họ nên có một nhà lãnh đạo dày dạn từng trải kiểu như E. Schmidt đến với Google, và bản thân họ vẫn còn phải nỗ lực tập trung rất nhiều về mặt kỹ thuật hơn nữa mới có thể "đủ" cho những gì họ đã ...quảng cáo cũng như những điều mà nhiều người đang trông đợi ở họ hiện nay
Tiền thân là Vinaseek đã được phát triển từ năm 2001, nhưng sau khi chọn Fast Search của Microsoft làm nền tảng cho công cụ tìm kiếm mới, có lẽ Tinh Vân không kế thừa được nhiều từ những gì họ đã xây dựng mà gần như phải làm lại từ đầu.
Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, với bổ sung thêm các tập luật & thông số cho nền tảng có sẵn, Xalo.vn đã có được một loạt các sản phẩm tìm kiếm chất lượng tốt. Ngay khi thử công cụ tìm kiếm mới của họ lần đầu vào tháng 4/2008, tôi đã cảm nhận được chất lượng tìm kiếm của họ vượt xa Socbay và thực sự sau đó họ đã nhanh chóng trở thành công cụ tìm kiếm số một của Việt Nam.
Tuy nhiên vấn đề nào cũng có hai mặt, Fast Search giúp họ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nhưng cũng chính vấn đề này đã đem lại cho họ những bất lợi lớn. Fast Search là một giải pháp tìm kiếm chủ yếu dành cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, mà cho dù khả năng của nó có tùy biến cao cỡ nào thì chắc chắn rằng cũng không thể bằng được cỗ máy tìm kiếm web do chính Google xây dựng cũng với khả năng tùy biến cao. Đó là chưa kể về mặt tìm kiếm, Microsoft vẫn còn kém Google một bậc. Nên gần như chất lượng tìm kiếm web của Xalo.vn hiện đã đạt đến mức giới hạn, không có nhiều chuyển biến trong thời gian gần đây, trong khi Google vẫn đang tiếp tục cải tiến và nâng cao chất lượng của mình.
Không còn khả năng đấu trong thị trường chủ lực Web, Xalo cũng đành phải vươn ra các lĩnh vực khác như Tin Tức, Nhạc. Nhưng va phải lĩnh vực này thì đã bị những đối thủ khác như Baamboo, Baomoi ..."án ngữ" với một giải pháp tìm kiếm đơn giản nhưng hiệu quả hơn. Dịch Anh - Việt là một lĩnh vực họ có nhiều thành tựu nhưng tốc độ chậm và chỉ dịch được cho những đoạn/câu đơn giản. Nên cuối cùng chỉ còn Blog/Forum là những dịch vụ xem ra triển vọng nhất của họ. Tuy nhiên, đây là những dịch vụ khá chuyên biệt và xét ra cũng chỉ là một phần nhỏ của tìm kiếm web nên không có nhiều người sử dụng. Ngoài ra thì hai lĩnh vực này hoàn toàn có thể được xây dựng với tính năng Custom Search Google cung cấp thông qua việc giới hạn và tùy chỉnh một số thông số. Nếu để ý bạn cũng thấy Google đã bắt đầu có những Search Option rất hiểu quả phục vụ cho vấn đề này.
Một khó khăn cho Xalo nữa là việc họ cũng không thể tiến vào thị trường Tìm kiếm Doanh nghiệp như Socbay bởi giải pháp của họ là mua lại, trong khi nguồn đầu tư đã bắt đầu cạn dần. Vậy Xalo sẽ sử dụng chiến lược nào cho thời điểm sắp tới. Đến đây thì tôi cũng ...đang tiếp tục suy nghĩ và xin dành câu trả lời cho mọi người ;)
PHỤ LỤC:
Một số số liệu do tôi thử nghiệm trên các công cụ tìm kiếm tiếng Việt cuối năm ngoái (Web Search). Sử dụng 10 mẫu từ khóa khác nhau, kết quả được đánh giá tương đối dựa trên tốc độ và số lượng các kết quả liên quan (Số lượng kết quả liên quan trong Top 10, xem cụ thể nội dung từng trang liên quan bao nhiêu đến từ khóa, không phải số lượng kết quả các công cụ tìm kiếm trả về như một số bạn hiểu lầm)
Google.com.vn - Điểm: 9/10
Yahoo Vietnam - Điểm: 8/10
Xalo.vn - Điểm: 5/10
Socbay.com - Điểm: 3/10
Mời mọi người tiếp tục theo dõi Phần 3: Những con tàu ủi băng Thương mại điện tử Việt Nam
Đi tìm những dot-com Việt Nam tiềm năng (2): Những đối thủ của Google tại thị trường Việt Nam
Nguyễn An Hưng
0
Nhận xét
Đăng nhận xét