Đi tìm những dot-com Việt Nam tiềm năng (3): Những con tàu ủi băng Thương mại điện tử Việt Nam

Thương mại điện tử, một trong những con bò sữa của thế giới Internet. Nhìn vào các đại gia thế giới như eBay (22 tỉ USD), Amazon (32 tỉ USD), Alibaba (9.4 tỉ USD)... rồi ước lượng thị trường Việt Nam bằng khoảng 1/50 Trung Quốc theo GDP, thì có thể dự đoán nếu có một công ty với vị trí tương tự như Alibaba ở Việt Nam, thì giá trị sẽ vào tầm 180 triệu USD. Tất nhiên con số này vẫn chỉ ở mức tiềm năng tương đối, nhưng nó cũng đã đủ để hàng tá công ty lao vào với một tham vọng giành được một phần của miếng bánh béo bở này.

Ở Việt Nam hiện đã có rất nhiều site Thương mại điện tử khác nhau, từ của đại gia cho đến các tiểu gia. Tuy nhiên trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ đi vào hai công ty tiềm năng nhất theo đánh giá của riêng tôi là Chodientu.vn và Vatgia.com. Tiềm năng theo nghĩa các công ty này đều đã có đầu tư, đều làm một sản phẩm duy nhất và đều có khả năng tập trung cao độ khi thị trường đạt đến điểm rơi

Nhóm 3: Những con tàu ủi băng Thương mại điện tử Việt nam


Tôi có dịp làm quen với công ty Peacesoft từ khá sớm, vào giữa năm 2004, nhân dịp ra Hà Nội để chuẩn bị sang Brazil tham dự Imagine Cup 2004. Nhớ lại hồi đó, Peacesoft vẫn còn là một công ty ...nghèo ;)), với một trụ sở nhỏ trong một con ngách ở Hà Nội. Lúc đó cũng nghe loáng thoáng là quỹ đầu tư IDG mới chân ướt chân ráo vào VN và đang đi nói chuyện với một số công ty trẻ như Peacesoft về chuyện hợp tác đầu tư. Lúc đó trong suy nghĩ của một sinh viên công nghệ như tôi, với một đội ngũ lãnh đạo trẻ và năng động của Peacesoft, sẽ không khó để họ đạt được thương vụ này. Và quả thật sau đó, họ đã là một trong những công ty đầu tiên được IDGVV đầu tư với dự án Chodientu.vn

Một điều đáng khâm phục ở Chodientu là ở sự kiên trì bền bỉ của họ. Trong khi nhiều công ty Internet dù có được đầu tư đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại thì Chodientu vẫn nỗ lực không ngừng với nhiều hoạt động thử nghiệm của mình, vẫn xuất hiện đều đặn trên các phương tiện truyền thông. Từ việc triển khai bán các gian hàng, quảng cáo trên site... cho đến các hoạt động phụ trợ như Ads@CDT (bây giờ là Adnet), Nganluong.vn. Dẫu chưa có một thành công nào mang tính đột phá, nhưng đến nay họ cũng đã đạt được một số thành tựu nhất định như: Liên kết với eBay, đầu tư từ Softbank, hệ thống Adnet được nhiều website trong nước sử dụng...

Có lẽ khó khăn lớn nhất của Chodientu hiện nay (và có lẽ cũng là khó khăn chung của hầu hết các site TMĐT khác) nằm ở vấn đề làm sao để người mua hàng có thể giao dịch trực tiếp trên site của mình. Đây thực sự không phải là một vấn đề dễ dàng bởi đứng ở góc độ một người sử dụng bình thường, tôi thường vào các site TMĐT chủ yếu để ...tham khảo giá cả rồi liên hệ trực tiếp người bán hay ra các cửa hàng bên ngoài mua cho chắc ăn ;). Còn giao dịch chỉ thực hiện rất ít khi có các hàng độc hay hàng ...khuyến mãi cụ thể ;))

Tuy nhiên nếu có thể khai thông được bế tắc này, cùng với việc đẩy mạnh và mở rộng hệ thống Adnet mà họ đang khá thành công hiện nay, cộng với nhiều lợi thế khác mà họ đang có được, Chodientu sẽ có cơ hội lớn để trở thành một đại gia thương mại điện tử tầm cỡ ở Việt Nam.




Là một đối thủ có xuất phát điểm khá trễ (chỉ từ nửa sau 2007, tức sau Chodientu 2.5 năm), nhưng với một chiến lược tổ chức nội dung và cấu trúc site cực tốt nên chỉ trong một thời gian ngắn, họ đã đi từ con số không lên một lượng thông tin trên site khổng lồ và thường xuyên được cập nhật một cách đều đặn. Ngoài ra, còn phải kể đến đội ngũ kỹ thuật đừng đằng sau cực kì dày dạn kinh nghiệm trong việc thiết kế web và làm SEO (công ty FinalStyle, cũng là chủ nhân của website tin tứchttp://tin247.com mà tôi sẽ phân tích trong Nhóm 4 kế tiếp) đã giúp lượng traffic đến site tăng lên không ngừng và hiện nay đã đưa Vatgia vào Top 2500 Alexa

Với một thành tích quá ấn tượng trong một thời gian ngắn như vậy, đây quả thật là một sản phẩm tiềm năng và không có gì quá khó hiểu khi họ là một trong những công ty hiếm hoi mà cả IDGVV và Vinacapital đều phải chạy đua để giành quyền đầu tư vào. Cuối cùng, IDGVV đã là người nhanh chân hơn với số tiền đầu tư vào khoảng 1 triệu USD (Thông tin ngoài lề, ai có chính xác xin confirm giùm ^^)

Với một số tiền đầu tư khá lớn như vậy, nhưng Vatgia vẫn trung thành với chiến lược của mình. Ít có hoạt động quảng cáo PR rầm rộ ra bên ngoài và vẫn chủ yếu dựa vào việc mở rộng thông tin trên site và làm SEO là chủ yếu ;). Nhưng đây chính là điểm mà tôi nghĩ rất nhiều website TMĐT khác phải dè chừng họ. Bởi có vẻ như Vatgia vẫn đang âm thầm dưỡng sức đề chờ đợi đến thời điểm khi mà thị trường được khai thông (có thể bởi một đối thủ khác như Chodientu), thì với một chiến lược tương tự cộng với những thế mạnh mà họ đang có hiện nay, chắc chắn họ sẽ lao vào để giành lấy một thị phần không nhỏ trong lĩnh vực thương mại điện tử đầy tiềm năng này.


Bạn có biết 89% người sử dụng Internet Việt Nam lên mạng đọc tin tức hàng ngày (theo thống kế Yahoo VN). Điều này đã khiến các site Tin tức cũng như các site tổng hợp Tin tức đóng một vai trò quan trọng và chiếm một phần lớn trong thị trường doanh thu quảng cáo trực tuyến của Việt Nam. Nếu bạn quan tâm đến lĩnh vực này, mời bạn tiếp tục theo dõi ...phần 4: Những website Tổng hợp Tin tức Việt Nam ^_^

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn