Đi tìm những dot-com Việt Nam tiềm năng (1): Những người khổng lồ


Như đã hẹn ở bài trước, ở nội dung bài viết này tôi sẽ từng bước áp dụng những tiêu chí đã nêu kết hợp những thông tin thực tế tôi có được để đi vào phân tích những trường hợp cụ thể của các công ty dot-com Việt Nam hiện nay. Tất nhiên vẫn có thể có những suy nghĩ mang tính chủ quan cá nhân nhưng âu đó cũng là mong muốn tổng hợp chia sẻ nhằm giúp tôi cũng như những ai quan tâm lĩnh vực này xác định sơ lược đâu là những công ty dot-com Việt Nam tiềm năng, để nhanh chân ...mua cổ phiếu kiếm lời sau này ;)). Danh sách công ty sẽ được phân thành các nhóm theo chủ đề để tiện theo dõi và so sánh.

Nhóm 1: Những người khổng lồ




Là một đối thủ có xuất phát chậm hơn nhiều công ty dot-com khác ở Việt Nam nên FPT đã bắt đầu với một chiến lược khác biệt hóa sản phẩm của mình. Đó là những dự án Visky dành cho đi động đầu tiên như: Vihuni, Vimap, Vitalk... Dễ dàng nhận thấy đây là một chiến lược nhằm tận dụng tối đa hệ thống phân phối điện thoại của họ đang rất mạnh hiện nay, và tất nhiên tham vọng của họ không chỉ dừng lại ở đó.

Bước tiếp theo, họ sẽ tận dụng tất cả những kinh nghiệm đang có hiện nay như: hệ thống phân phối, kinh nghiệm triển khai giải pháp, ngân hàng, các quan hệ chính phủ, truyền thông... để tiến lên chương trình mà họ gọi là "Vì công dân điện tử". Đây quả là một chiến lược cực kì tham vọng và hoàn toàn phù hợp với thế mạnh mà hầu như không có bất kì công ty trong nước nào có được ngoại trừ FPT. Đích thân Mr. Trương Gia Bình đã rút khỏi vị trí TGĐ để trực tiếp phụ trách dự án này.

Tuy nhiên nhìn những sản phẩm FPT đã thiết kế hiện nay thì có vẻ như FPT chưa có đủ những kiến trúc sư kĩ thuật xứng tầm để biến tham vọng lớn của họ thành hiện thực. Hệ thống sản phẩm vẫn còn ngổn ngang và chưa có một sự gắn kết chặt chẽ. Theo một thông tin tôi có được thì ngay cả trong nội bộ FPT hiện đang phát triển tới 3 social network do 3 nhóm thuộc 3 bộ phận khác nhau phụ trách ;)

Ngoài ra với quy mô công ty đã quá lớn cùng nhiều quy chế khá cứng nhắc như hiện nay thì thật khó để FPT có thể chiêu mộ những anh hào đầu quân cho họ. Đó là chưa kể họ còn phải đối mặt với nguy cơ những tài năng đang làm cho họ sau một thời gian sẽ tách ra để đi tìm một con đường của riêng mình với nhiều thách thức hơn. Nhưng nhìn chung, nếu phiên bản "FPT 2.0" họ đề ra có thể khắc phục được điều này, sẽ không có gì ngạc nhiên khi họ trở thành một người khổng lồ trong làng Internet và truyền thông của Việt Nam.




Một tên tuổi nổi như cồn trong những năm gần đây mà hầu như mọi người dùng Internet Việt Nam đều biết đến, Vinagame. Với một đội ngũ lãnh đạo quản lý tốt cộng thêm một chút may mắn, Vinagame đã có được lợi nhuận từ rất sớm và lợi thế lớn này đã đưa họ trở thành một đại gia trẻ có tiếng nói trong ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam. Trước tình hình thị trường game online dần đi đến bão hòa, sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ mới cũng như sự không đồng thuận từ xã hội tăng cao, không còn lựa chọn nào khác, họ buộc phải vươn vai bành trướng vào thị trường web 2.0 Việt Nam

Và với một tham vọng cao độ, chỉ trong một thời gian ngắn, họ đã dựng nên Zing.vn và dồn toàn bộ traffic ở tất cả các site từ trước đến giờ của họ vào đây. Điều này đã nhanh chóng đưa Zing trở thành website số một ở Việt Nam về lượng truy cập. Tuy nhiên chính điều này lại khiến mọi người có cảm giác như Zing có một điều gì đó khổng ổn. Cách phát triển của họ có vẻ giống như ...dùng "thịt đè người": đội ngũ nhân viên đông đảo nhưng chưa phát huy hiệu quả tốt, đưa toàn bộ nhạc phim lên máy chủ của mình để thu hút tối đa traffic với một chi phí lớn, địa phương hóa nhiều sản phẩm từ Trung Quốc nhưng chưa tìm hiểu kĩ khả năng thích nghi với người dùng Việt Nam... Nói chung quả thực là một công trình ngổn ngang chưa biết đến bao giờ mới hoàn chỉnh.

Ngoài ra với một số ảnh hưởng tiêu cực mà Vinagame đã mang lại cho xã hội (mặc dù tôi cũng công nhận game online về một khía cạnh cũng đã góp phần đẩy nhanh việc phổ cập hóa Internet đến các vùng sâu vùng xa) cùng những sản phẩm hơi quá đà nhắm tối đa đến sự kích tích "trí tò mò" của tầng lớp teen hiện nay, có thể Vinagame vẫn còn kiếm được rất nhiều tiền trong tương lai nhưng nếu xét về tầm ảnh hưởng thì họ sẽ không có nhiều triển vọng và cơ hội so với các đại gia khác.




Có thể nói VC Corp là công ty chuyên nghiệp nhất trong làng Internet Việt Nam hiện nay. Những sản phẩm họ làm rất bài bản và mang tính chuyên nghiệp cao, tạo ra nhiều lợi ích thực sự và định vị sâu trong tâm trí của người sử dụng. Ví dụ như CafeF là ứng dụng mà hầu như tôi đều phải vào xem hàng ngày, ngoài ra còn nhiều các sản phẩm tốt khác như: Rongbay.com, Baamboo.com, ChannelVn.net...

Nhìn một cách tổng quan, hầu hết các sản phẩm VC Corp hướng tới có vẻ như tập trung vào các website thông tin với mục đích khai thác tối đa thị trường quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam. Với một lợi thế sở hữu nhiều sản phẩm cùng một hạ tầng đồng bộ, họ quả là một đối thủ đáng sợ cho bất kì những công ty làm trong lĩnh vực mà họ bước chân vào. Tuy nhiên điều này cũng chính là nguyên nhân đem lại cho họ những bất lợi hiện nay.

Do phải dàn trải quá nhiều sức lực trên các mặt trận khác nhau nên mức độ tập trung đã không còn được sắc bén như ban đầu, ngoài ra thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam vẫn còn quá nhỏ để bù đắp lại những chi phí mà họ đã bỏ ra. Điều này có thể đã khiến họ lung lay tinh thần, một số nhân viên giỏi bắt đầu ra đi (thông tin ngoài lề, ai có chính xác xin confirm lại ^^). Nhưng rõ ràng đến thời điểm thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam bùng nổ, có thể còn phải rất lâu nữa nhưng nếu VC Corp đợi được đến lúc đó thì chắc chắn họ sẽ có rất nhiều cơ hội để phát huy tối đa sức mạnh của mình và trở thành một "Google của Việt Nam" (xét về khía cạnh đa dạng hóa sản phẩm và thu hút quảng cáo trực tuyến)

Đến đây thì bài viết đã dài nên xin tạm kết thúc phần 1. Mời mọi người tiếp tục theo dõi phần 2: "Những tay chơi dũng cảm trên thị trường tìm kiếm và thương mại điện tử"

( Loạt bài này của anh NgonDN - Blog Ngôn Phạm - 1 bậc tiền bối viết blog về CNTT mà tôi rất thích )

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn