Vì sao Web 2.0 Việt Nam chưa kiếm được tiền?

Trong một năm làm việc vừa qua, tôi đã có cơ hội đi gặp gỡ rất nhiều các công ty cùng làm về web 2.0 khác nhau để cùng trao đổi về các cơ hội trong ngành cũng như Internet Việt Nam nói chung. Có một câu hỏi mà hầu hết chúng tôi đều phải thảo luận đó là "Tại sao các web 2.0 Việt Nam hiện nay vẫn chưa kiếm được tiền hoặc chưa kiếm đủ như các nhà đầu tư kỳ cọng". Nên tôi cũng tranh thủ ngày cuối tuần rảnh rỗi ngồi tổng kết lại để rút kinh nghiệm và chia sẻ cùng mọi người



1. Hầu hết dân làm về Web 2.0 đều là dân kỹ thuật: Chính vì vậy đều xuất phát với một ...lý tưởng cao đẹp ^_^ là chỉ cần sản phẩm mình có ích, được nhiều người sử dụng, là từ từ mình sẽ kiếm được tiền. Tôi hoàn toàn đồng ý và bản thân tôi lúc bắt tay làm cũng có suy nghĩ đó. Tuy nhiên có một điều ít ai để ý là không biết khoảng thời gian từ lúc có sản phẩm đến lúc ...kiếm được tiền là bao lâu. Nếu có thì cũng đưa ra những con số rất tượng trưng, không chắc chắn. Có thể nhìn vào các site nhạc phim ở VN làm ví dụ. Tiền bỏ ra cho server thì khá nhiều nhưng cũng không chắc đến bao giờ mới có thể kiếm tiền. Tất nhiên một số người xây dựng trông đợi làm để bán lại nhưng cũng câu hỏi tương tự, không biết từ lúc có sản phẩm đến lúc ...có thể bán lại (và bán cho ai) là bao lâu?

2. Nhiều sản phẩm bắt đầu với ý tưởng "clone" một sản phẩm đã thành công ở thị trường khác: Đây cũng là một ý tưởng hay nhưng áp dụng vào VN thì tôi nghĩ chỉ rất ít sản phẩm đáp ứng thực sự nhu cầu của thị trường mới có thể thành công. Có rất nhiều yếu tố khác biệt có thể nêu ra: GDP đầu người còn quá thấp nên nhiều dịch vụ có thể nói là quá xa xỉ nếu phải bỏ tiền ra, hạ tầng VN còn nhiều yếu tố chưa hoàn chỉnh điển hình như thanh toán điện tử, xã hội và các mối quan hệ có nhiều thứ không rõ ràng như ở các nước khác...

3. Tổ chức công ty và thiết kế sản phẩm kém: Do là start-up nên các nhóm thường không nhiều người nên hay xem nhẹ việc tổ chức quản lý và thiết kế sản phẩm theo quy trình. Phần lớn đều xem ý tưởng và thị trường là yếu tố quyết định, đợi khi lớn có tiền thuê người ...tổ chức lại chắc cũng không sao. Chính vì vậy mà khá nhiều trường hợp dẫn tới tình trạng lộn xộn, lủng củng nội bộ, các sản phẩm thiết kế ra không có cấu trúc rõ ràng, mang tính làm cho có, nhiều bug và không thể quản lý trong trường hợp bùng nổ sau này.


4. Sức ỳ của đội ngũ lãnh đạo: Thông thường lúc mới đầu mọi thứ còn màu hồng nên các anh em đều còn sung. Nhưng càng ngày khó khăn càng xuất hiện đòi hòi phải lựa chọn và giải quyết nhanh chóng. Và nếu đội ngũ lãnh đạo công ty không năng động dứt khoát trong trường hợp này thì hầu như sẽ kéo toàn bộ công ty ỳ theo, làm các kế hoạch dự án trễ tiến độ. Rồi đến một lúc xuất hiện một thỏa thuận ngầm giữa các thành viên với nhau, thôi thì ...chúng ta cùng ỳ :)). Đó là trường hợp tôi thấy ở khá nhiều công ty VN hiện nay. Một nhân viên quỹ đầu tư tâm sự với tôi rằng họ vẫn phải thường xuyên đi thăm hỏi và tạo áp lực cho những công ty mà họ đang đầu tư.


Đến đây một câu hỏi được đặt ra là vậy làm thế nào để có thể thiết kế một sản phẩm Web 2.0 kiếm được tiền??? Thật lòng tôi cũng không biết, chỉ xin nêu một số kinh nghiệm nhằm hạn chế những rủi ro ở trên


1. Tránh đối đầu trực tiếp với các đại gia nước ngoài: Cá nhân tôi nghĩ rằng với trình độ Việt Nam hiện nay, trong một tương lai gần rất khó để xây dựng một sản phẩm "có cấu trúc" đủ sức cạnh tranh với các đại gia quốc tế như Google, Facebook... Thôi thì cứ để họ đầu tư và làm cho mình xài, các sản phẩm cũng dần dần có tiếng Việt hết đó thôi. Sẽ có một số người nghĩ tôi không có tinh thần dân tộc. Nhưng rõ ràng việc xài các sản phẩm quốc tế sẽ giúp nâng cao trình độ và khả năng giao lưu của người VN với thế giới bên ngoài. Rồi đến một lúc nào đó, số người dùng Blogger, Facebook... đông đảo, chúng ta có thể dễ dàng thiết kế những plugins phục vụ cho người Việt và từng bước đi ra bên ngoài. Một số chuyên gia kinh tế khuyên VN nên phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, một số kỹ sư nước ngoài cũng khuyên tôi trước tiên nên phát triển các sản phẩm nhỏ trên hạ tầng của các hãng lớn. Bản thân tôi cũng thấy đây là một hướng đi tốt.


2. Xây dựng các sản phẩm gắn chặt với các hoạt động offline: VD như thương mại điện tử, kiếm việc... Những sản phẩm không quá lớn lao nhưng phục vụ cho lợi ích rất thiết thực hiện tại. Hơn nữa làm vậy thì đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật cũng sẽ không nhiều, thay vì đó có thể dành nguồn kinh phí để tập trung cho các hoạt động offline cụ thể và kiếm tiền từ đây.


3. Hãy kiếm tiền từ sớm, dù ít: Tôi đã chứng kiến có vài dự án tự giải tán chỉ sau 1.5-2 năm, do nhà đầu tư không rót tiền nữa. Bởi vì họ không đủ kiên nhẫn mỗi năm bỏ vào vài tỷ, trong khi không hề thấy một thành quả nào từ nhóm phát triển. Tôi cũng hiểu công nghệ là cuộc đua lâu dài nhưng dường như rất ít nhà đầu tư VN nghĩ được như vậy. Nên chắc nhất vẫn nên cố gắng kiếm tiền từ sớm, bởi đó cũng sẽ là một niềm động viên cho lãnh đạo và nhân viên công ty, cũng như hứa hẹn cho nhà đầu tư về một tương lai tươi sáng dự án mình bỏ tiền vào.


4. Từng bước xây dựng tổ chức công ty, quy trình sản phẩm và mở rộng các mối quan hệ: Tất nhiên không cần quá lý thuyết như những gì trong sách vở, nhưng có một số thực hành hữu ích dành cho các công ty nhỏ có thể dễ dàng áp dụng, các buổi hội thảo/khóa học về quản lý cũng khá hữu ích. Cố gắng từng bước áp dụng, thích nghi làm cho tổ chức ngày một chuyên nghiệp hơn, tinh thần nhân viên cũng phấn chấn vì cảm thấy mình ngày một tiến bộ. Ngoài ra mở rộng các mối quan hệ là một vấn đề cần thiết, cố gắng xây dựng các mối quan hệ cá nhân vững bền thay vì chỉ những quan hệ đối tác thông thường. "Giàu vì bạn, sang vì vợ", thành công của bạn bè sẽ giúp mình nhiều thuận lợi hơn và ngược lại ^(^


Đến đây, tự nhiên tôi nảy sinh một ý tưởng là sao không thử điều tra và áp dụng các tiêu chí này để phân tích một số công ty Internet VN hiện nay? Ít ra là xác định thử công ty nào triển vọng để ...nhanh chân mua cổ phiếu kiếm lời sau này ;)). Nhưng giờ buồn ngủ quá rồi, thôi để khi nào có thời gian ngồi suy nghĩ tiếp

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn