Vào dịp cuối năm cứ gần đến lễ bảo vệ tốt nghiệp và chuẩn bị đi làm của các sinh viên CNTT thì thỉnh thoảng tôi lại nhận được các câu hỏi nhờ tư vấn: "Tao không biết với khả năng của mình thì nên chọn công ty nào là phù hợp và triển vọng nhất?". Thú thực vấn đề này tôi cũng chẳng thể trả lời cho "chúng nó", vì tôi cũng thế thôi, cũng là 1 thằng sinh viên quèn, còn chưa được ra trường. Lấy gì mà tư vấn.(!) Cũng may quen biết nhiều, chém gió với mấy anh tiền bối, đúc rút được tí kinh nghiệm. Và đó cũng là vấn đề tôi muốn chia sẻ trong bài viết này, hi vọng có thể tư vấn ít nhiều cho các bạn sinh viên IT trẻ sắp tốt nghiệp và muốn lựa chọn con đường lập trình viên cho sự nghiệp mình trong những năm sắp tới.
0. Có thể nói hầu hết các công ty IT Việt Nam hiện nay đều không trông đợi việc SV ra trường sẽ có khả năng làm việc được ngay và đều dành một khoảng thời gian để training lại theo yêu cầu của công ty. Chính vì vậy mà các công ty không hi vọng nhiều vào một tá các kĩ năng mà SV ghi trong CV hay các dự án nghiên cứu trước đó. Cái quan trọng nhất mà họ trông đợi là kỹ năng lập trình của SV đó. Kỹ năng lập trình càng cao thì thời gian training sẽ càng ngắn và sinh viên có thể nhanh chóng bắt tay vào làm việc được ngay. Đây là một điều quan trọng mà nếu chuẩn bị tốt, các bạn SV sẽ có thể dễ dàng thích nghi và cảm thấy không bị khớp khi chuyển từ môi trường học thuật sang công việc.
1. Với các bạn SV chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc va chạm trong các môi trường công nghiệp thực sự trước đó thì tôi nghĩ tốt nhất nên dành ít nhất 1 năm cho việc học hỏi các kinh nghiệm này. Để làm điều này, hãy apply vào những công ty gia công thật lớn, nơi các bạn sẽ "được" đào tạo quy trình một cách chặt chẽ, cách thức tổ chức và tiến hành công việc bài bản, giờ giấc chuyên nghiệp. Ngoài ra các công ty này sẽ có những dự án đủ lớn để bạn cảm nhận được môi trường công nghiệp IT thực sự khốc liệt như thế nào, cũng như sẽ có những chương trình đào tạo đặc biệt cho bạn. Những điều này các công ty trung bình nhỏ sẽ khó có được bởi họ trông đợi bạn vào sẽ có thể tự học và làm việc được ngay, do đó nếu bạn không có khả năng tự định hướng bản thân đủ mạnh thì rất dễ đi sai đường và bế tắc. Nếu sau thời gian này, bạn cảm thấy con đường gia công thích hợp với bạn thì hãy cứ tiếp tục trong những năm kế tiếp và từng bước tiến lên những chức vụ cao hơn.
2. Rồi đến một lúc nào đó bạn đã đủ lông đủ cánh, chán làm gia công và muốn làm một cái gì đó mới hơn, đây sẽ là thời điểm thích hợp nhất cho bạn để tham gia vào các công ty nghiên cứu và phát triển những sản phẩm chiến lược. Trước đây số lượng các công ty làm sản phẩm chuyên nghiệp VN rất ít nhưng trong những năm gần đây với xu hướng web 2.0 trên thế giới và cả Việt Nam nóng lên thì số lượng các công ty đang tăng nhanh. Hãy chọn một công ty chỉ tập trung làm sản phẩm với những con người thật chuyên nghiệp, không nên chọn những công ty lấy ngắn nuôi dài (tức vừa làm gia công vừa làm sản phẩm, hoặc vừa làm hợp đồng vừa nghiên cứu bởi các công ty này khi có hợp đồng ngon gần như sẽ lại ...bỏ hết việc làm sản phẩm sang một bên để làm hợp đồng ;)). Ở trong môi trường này, bạn sẽ học được rất nhiều các công đoạn trong quá trình làm sản phẩm, từ việc phát triển những nền tảng đầu tiên cho đến lúc sản phẩm thành hình và đến tay những end-users cuối cùng.
3. Rồi đến một lúc nào đó bạn muốn làm một sản phẩm gì đó của riêng mình, thế thì đã đến lúc bạn tìm những chiến hữu đồng chí hướng để start-up một công ty ;). Với kinh nghiệm chiến trường ở các công ty IT lớn và làm sản phẩm bạn đã tích lũy được từ hai bước trên sẽ giúp bạn tránh được rất nhiều sai lầm không đáng có. Tuy nhiên bạn sẽ phải đương đầu thêm với rất nhiều bài toán đau đầu khác không thuộc phạm vi chuyên môn của mình: khách hàng, quỹ đầu tư, marketing, tài chính, kế toán.... Những công việc mà gần như nếu không có sự chuẩn bị sẽ rất dễ đưa công ty thất bại. Và nếu thành công bước này, hãy từng bước mở rộng công ty của mình lên một tầm cao mới.
4. Rồi đến một lúc đó bạn lại cảm thấy chán với những thành công mà mình có được. Đến lúc này có lẽ có hai hướng: Một là quay trở lại ...reset lại bước 1-2-3, rồi cứ thế nhưng bạn sẽ nâng cấp lên ở những vị trí cao hơn với những công việc thách thức và ý nghĩa hơn. Hai là tìm một niềm đam mê trong những lĩnh vực khác như Âm nhạc, Thơ văn... chẳng hạn :x, để bạn có thể bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn khác hơn so với thế giới IT trước đây của mình.
Thì tất cả những điều trên chỉ đơn thuần là những kinh nghiệm của riêng tôi, tất nhiên chỉ mang tính tham khảo bởi tôi nghĩ mình là người thiên về sống để trải nghiệm hơn là sống để quyết tâm làm một điều gì đó thật lớn lao vĩ đại. Với tôi mỗi môi trường, mỗi công việc đều có những thách thức thú vị riêng. Do đó tôi nghĩ điều quan trọng vẫn nằm ở bạn, bạn cảm thấy mình là người có những tính cách đặc biệt gì và liệu con đường nào mới là thích hợp nhất dành cho bạn.
Tuy nhiên có một điều mà tôi nghĩ sẽ luôn đúng và rất quan trọng là hãy luôn có cho mình một hoặc vài người cố vấn tại bất kì thời điểm nào, những người thực sự có nhiều kinh nghiệm giỏi hơn bạn ở một hay nhiều lĩnh vực nào đó. Bởi họ sẽ giúp bạn từng bước hoàn thiện bản thân mình và tránh rất nhiều sai lầm không đáng có. Đôi lúc sự tự tin quá sẽ dẫn bạn đến một lúc nào đó ngoảnh lại mới nhận ra được mình còn thiếu rất nhiều và có thể mọi thứ đã trở nên quá trễ để bắt đầu lại. Bản thân tôi cho đến giờ vẫn cảm thấy mình thực sự may mắn khi gần như tại bất kì thời điểm trong sự nghiệp IT của mình, tôi đều có được những người cố vấn rất tốt, họ nhiệt tình giúp đỡ và nâng tôi lên những nấc thang cao hơn. Và tôi ước gì mình sẽ luôn được như vậy, chừng nào tôi còn có được những người cố vấn, thì tôi vẫn còn cảm thấy an tâm và cảm nhận mình còn học hỏi được từ cuộc sống rất nhiều ^_^
Những gì tôi viết trên đây, được nhận sự giúp đỡ nhiều từ các anh, các chị, các chú các bác đi trước. đặc biệt đàn anh NgonDN
Đăng nhận xét