Những bài học cho CNTT Việt Nam từ Đài Loan

Có lẽ hầu hết mọi người đều biết đến Đài Loan như một trong những cường quốc về Công nghệ vi mạch của thế giới. Khá nhiều công ty nổi tiếng ở đất nước này cũng đang làm mưa làm gió tại thị trường Việt Nam như như Acer, Asus, Gigabyte, MSI, HTC... Bản thân tôi trước đây cũng đã tìm hiểu rất nhiều về quá trình hình thành và phát triển của quốc gia này. Tuy nhiên chỉ đến khi có dịp đến Đài Loan vừa rồi, tôi mới có thể tận mắt chứng kiến sự phát triển vượt bậc của đất nước này trong ngành công nghiệp bán dẫn cũng như khát vọng vươn ra tầm thế giới ở những lĩnh vực khác của họ trong một tương lai không xa.

Quay trở lại lịch sử của Đài Loan 50 năm về trước, vào khoảng những năm 60. Ngành công nghiệp vi mạch Đài Loan bắt đầu phát triển khi có sự đầu tư của các tập đoàn điện tử của Mỹ vào đất nước này. Điều này đã tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Đài Loan (phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ như Việt Nam) trở thành các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng vệ tinh phụ trợ như dây cáp, vỏ máy... Và các doanh nghiệp Đài Loan đã nhanh chóng tiếp thu công nghệ để từng bước sản xuất được những linh kiện phức tạp hơn. Đến những thập niên 80-90, chính phủ Đài Loan đã có những chính sách đột phá trong việc thu hút lực lượng Hoa Kiều và người nước ngoài đến làm việc như thành lập khu công nghiệp Tân Trúc (được mệnh danh là Silicon của Đài Loan), hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, thành lập các viện nghiên cứu công nghệ... Những điều này đã đem lại thành công vượt bậc để đưa Đài Loan đến năm 1995 đã trở thành một cường quốc công nghệ vi mạch của thế giới. Và cho đến thời điểm hiện tại, đã có những công ty hùng mạnh của Đài Loan nổi danh toàn cầu như HTC, Acer, Asus với giá trị thị trường vào khoảng 9-10 tỉ USD (gấp khoảng 15 lần FPT của Việt Nam hiện nay) và hoàn toàn đủ khả năng cạnh tranh trực tiếp với các đại gia Mỹ như Dell, HP, Motorola...

Trở lại với tình hình CNTT Việt Nam hiện tại, tôi nhận thấy Việt Nam chúng ta có vẻ đang đứng trước giai đoạn giống như Đài Loan khoảng 40 năm về trước. Tức là hiện cũng đã có nhiều tập đoàn đa quốc gia nước ngoài đến Việt Nam để đầu tư và phát triển công nghệ, sản xuất phần cứng, gia công phần mềm... Do đó một trong những chiến lược cần phải thực hiện gấp rút hiện nay là tiếp tục đẩy nhanh việc đào tạo một số lượng lớn nhân lực gia công đủ tốt cho các tập đoàn nước ngoài, song song với quá trình từng bước hỗ trợ các công ty trong nước hình thành những ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho các tập đoàn này.

Ngoài ra ngành công nghiệp gia công Việt Nam cũng đã bắt đầu đạt đến độ chín khi có nhiều công ty gia công lớn đã vượt con số hơn 10 năm tuổi đời. Do đó đã đến lúc chính phủ Việt Nam từng bước có những chính sách kêu gọi số lượng lớn những Việt Kiều hay người nước ngoài đang làm trong những ngành công nghiệp cao ở nước ngoài quay trở về đầu tư nghiên cứu và từng bước chuyển giao công nghệ. Và thực sự nếu chúng ta có thể làm tốt những chính sách và tập trung cho những lĩnh vực chủ lực như Smartphone hay Cloud Computing, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng chỉ trong 10-20 năm nữa, Việt Nam sẽ có thể trở thành một trong những cường quốc về CNTT của thế giới và đến lúc đó những người làm CNTT như chúng tôi hoàn toàn có thể tự hào khi nói với bạn bè nước ngoài rằng "I'm Vietnamese software engineer" ^_^

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn