Kẻ bắt nạt


Hồi bé ở xóm tôi có 1 kẻ bắt nạt. Và kẻ hay bị bắt nạt là tôi.

Nhiều năm trời, tôi cũng không nhớ lắm, nhưng từ thời tôi biết gì đó thì đi ra khỏi ngõ nhà mình đã bị bắt nạt, bị chúng bắt gọi là đại ca, là anh. Đi học mà đi qua bọn nó cũng phải thưa đại ca em đi học. 

Những năm đó, tôi có về mách bố mẹ tôi. Tôi nhớ có lần, ông ngoại tôi vào nhà tôi chơi, thấy tôi bị bắt nạt đã dắt tôi sang nhà mấy thằng đấy nói chuyện phải trái với bố mẹ chúng. Tôi không nhớ rõ bố mẹ chúng nói gì, nhưng đại loại là chuyện trẻ con cụ đừng chấp. 

Nhưng hôm sau, bọn chúng vẫn bắt nạt tôi. Bố mẹ tôi không bênh tôi. Thậm chí, 1 số lần bố còn đánh tôi. Sau đó dần tôi cũng không có dũng khí để đi mách, để cự cãi lại chúng nữa, tôi tìm ra rất nhiều con đường có thể tới trường mà không gặp chúng. Lội qua mấy sào ruộng chẳng hạn.

1 lần, năm lớp 6, như mọi ngày tôi đẩy xe đẩy đưa thằng em trai đi chơi. Lần này chúng nó không chỉ bắt nạt tôi, chúng còn lấy cứt trâu bôi vào xe và bôi vào mặt, quần áo em trai tôi. Thực ra mấy lần trước chúng cũng có bắt nạt anh em tôi. Nhưng lần này tôi không hiểu lấy đâu dũng khí tôi vơ mấy cành rào bác hàng xóm chặt vứt quanh đường vụt tới tấp vào bọn chúng như Thánh Gióng càn quét giặc Ân Thương. Cành rào gấy tôi vơ gạch ném, tôi đẩy 2 thằng xuống ao, ném gạch vào mặt 1 đứa, 1 đứa nữa tôi lao cả vào đấm túi bụi mặc kệ bình thường chúng nó bắt nạt và đánh tôi rất đau, hôm đấy tôi không thấy đau. 

1 cô hàng xóm họ hàng với 1 trong những thằng hay bắt nạt tôi ra bênh, bảo tôi vô học. Tối hôm đó, 1 sự vi diệu, không biết có hẹn hay không nhưng 3 gia đình kia sang tận nhà tôi bắt bố mẹ tôi đền tiền rồi bảo bố mẹ mà không biết dạy con để con đi đánh nhau. 

Tôi không nhớ rõ bố mẹ tôi có đền tiền hay không. Lúc đấy tôi cũng biết mình gây chuyện lớn, nhưng dần sau đấy tôi mới hiểu, nếu lúc đấy tôi không phản ứng như vậy, về nhà bố mẹ tôi đánh tôi vì trông em cũng không xong, có cái áo mới bố mẹ phải bán cả tạ thóc mua cho em cũng không giữ được. 

Sau đấy cũng không vì thế mà tôi đi đánh nhau hay tự hào, tôi vẫn tránh mặt bọn đấy cho yên thân. 1 năm sau, trong khi liên quan trẻ em xóm sau mùa Trung thu. Đợt đó trùng đầu năm học, tôi mặc chiếc áo trắng đồng phục đi học đi liên hoan. Đó là chiếc áo đẹp nhất mà tôi chỉ để dành đi học, hay mùng 1 Tết mới mặc. Vẫn là 1 kiểu bắt nạt khác. Chúng nó bôi mắm tôm vào chiếc áo trắng của tôi. Tôi ghét mắm, đặc biệt mắm tôm. Cho đến bây giờ, vợ tôi ăn bún đậu mắm tôm là tôi không ăn. Cũng may, vợ tôi tôn trọng không bắt ép tôi ăn mắm. Lần đó, tôi cự cãi lại vài câu, nó được đà đổ cả bát mắm vào người tôi. Tôi cũng úp nguyên bát mắm tôm vào mặt nó. 2 thằng đánh nhau ùm tỏi, sau được anh bí thư Đoàn can ra mới thôi. 

2 lần đó, tôi chỉ đều hành động theo dạng tức nước vỡ bờ. Với nhiều người, 1 cái áo mới chẳng là gì, với anh em tôi, mỗi năm chỉ có 1 chiếc áo mới là áo đồng phục thôi. Còn lại, toàn áo rách áo vá áo sờn vai xin lại của các anh chị. 

Sau này lớn hơn, tôi hiểu nhiều hơn, nhìn lại, nếu như 2 lần đó tôi không vùng lên, thì tôi vẫn chỉ là kẻ bị bắt nạt rất lâu sau đó nữa. Và dần dà chắc cũng không có tôi ngày hôm nay nữa rồi.

Nâng niu áo quần, áo quần chưa rách tới mức không thể mặc nữa thì tôi vẫn mặc, tôi vẫn giữ thói quen đó cho tới bây giờ. Và tôi biết bản thân mình không muốn bỏ thói quen đó.

Còn sau này, lớn hơn 1 chút, tôi nhất định sẽ cho Gấu nhà tôi đi học võ. Còn Gấu có thích hay không thì là việc của Gấu. Ít nhất, con có khả năng tự bảo vệ bản thân. Đàn ông, phải bảo vệ được bản thân, phải tự tin vào mình. Cái đó chỉ có thể tự mình dành lấy mà thôi.

full-width

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn