Bàn phím này sẽ bền hơn, và có hiệu ứng trong suốt khá thú vị.
Bàn phím của Apple trong tương lai sẽ có keycap với bề mặt kính ở trên và đèn nền màu sắc bên dưới, giúp các phím bấm trở nên bền bỉ hơn và có thể được sử dụng như những màn hình mini.
Nếu bạn đã và đang sử dụng các thiết bị của Apple trong thời gian dài, bạn hẳn biết rằng chúng rất khó bị hao mòn, và chúng có thể duy trì độ mới trong nhiều năm. Tuy nhiên, một khi đã đến thời kỳ hao mòn, thì thứ đầu tiên thể hiện dấu hiệu tuổi tác là bàn phím. Các nhãn ký tự trên các phím rốt cuộc cũng sẽ bay màu, và sau đó đến lượt chính bản thân các phím.
Apple muốn giải quyết vấn đề này với một kế hoạch mà họ dự định sẽ áp dụng cho nhiều sản phẩm khác trong tương lai. Cụ thể, bằng sáng chế mang tên "Transparent Keycaps" (Keycap trong suốt) của họ tập trung vào việc sử dụng kính để tạo ra những phím bấm bền hơn – nhưng không chỉ vậy, nó còn đề cập đến khả năng mở ra những chức năng mới.
"Khi nhắc đến bàn phím, một người dùng có thể tương tác vật lý với chất liệu đã chọn hàng trăm ngàn lần, nếu không muốn nói là hàng triệu lần, xuyên suốt vòng đời của một thiết bị" – bằng sáng chế nói. "Nhiều giải pháp làm đẹp thì lại thiếu độ bền bỉ cần cho quãng thời gian sử dụng dài như vậy".
"Điều này có thể đặc biệt đúng khi các thiết bị điện tử và các thiết bị nhập liệu liên quan ngày càng nhỏ hơn, mỏng hơn, hay có kích thước giảm đi. Ví dụ, giảm kích thước keycap có thể dẫn đến những keycap có âm thanh ít chắc hơn và có vòng đời ngắn hơn so với các keycap dày hơn làm từ cùng loại chất liệu" – bằng sáng chế nói tiếp.
Giải pháp Apple đưa ra bao gồm "một keycap cho bàn phím bao gồm thân phím bề mặt phía trên nằm bên ngoài". Phần phía trên này có thể trong suốt, với ký tự của phím gắn vào bề mặt dưới của phần trong suốt này, với vật liệu dùng để tạo hình ký tự có khả năng chắn sáng.
Theo cách này, ký tự có thể nằm bên trong phím thay vì được in trên bề mặt của nó. Bằng sáng chế của Apple miêu tả chi tiết nhiều hình dáng và dạng thức khác nhau mà phần phía trên của phím có thể được hoàn thiện. Ngoài ra, nó còn đề cập đến một tính năng liên quan đến đèn nền.
"Bên cạnh đó, keycap có thể thay đổi màu sắc nếu đèn nền chiếu sáng thay đổi màu. Ví dụ, đèn LED hai màu hoặc RGB được dùng làm đèn nền có thể thay đổi màu sắc của một phần lớn diện tích keycap… Đèn nền có thể thay đổi độ sáng và màu sắc của toàn bộ lớp giữa, trừ ký tự".
Như vậy, nếu mục tiêu chính của bằng sáng chế là tạo ra một bàn phím bền hơn, mục tiêu tiếp theo nhiều khả năng sẽ là thay đổi cách thức hoạt động của đèn nền. Thay vì để ánh sáng chiếu xuyên qua ký tự trên phím và xung quanh các cạnh của nó, đèn nền có thể chiếu sáng mọi thứ trừ ký tự. Chưa kể đèn nền đó có thể đổi màu được!
Với hướng tiếp cận như vậy, Apple có thể tạo ra một bàn phím với đèn nền thay đổi tuỳ ý dựa trên thiết lập từ phần mềm, và hãng quả thực đã tìm hiểu về điều đó với một bằng sáng chế khác liên quan việc sử dụng LED trong phím.
Các nhà phát minh của bằng sáng chế đó bao gồm Paul X. Wang, đồng thời cũng là một trong chín người được nêu tên trong bằng sáng chế về keycap trong suốt. Trong số những người còn lại có Keith J. Hendren, vốn từng xuất hiện trong bằng sáng chế về một chiếc iMac với thiết kế mới hoàn toàn bằng kính. Ngoài ra còn có Matthew S. Rogers, đồng sáng chế của hệ thống camera ẩn và earphones tháo rời được trong bằng sáng chế về "Apple Glass".
Đăng nhận xét