Jack Dorsey và Mark Zuckerberg có phản ứng khác nhau đối với những nội dung của Tổng thống Trump đăng trên nền tảng của họ. |
Để hiểu được sự khác biệt giữa phong cách lãnh đạo của Jack Dorsey và Mark Zuckerberg, hãy cùng quay lại với một câu chuyện kỳ dị trong quá khứ về món thịt dê.
Khoảng 10 năm trước, Zuckerberg mời Dorsey, giám đốc của Twitter khi ấy, đến nhà dùng bữa tối. Món ăn là một con dê mà Zuckerberg vừa giết được. Con dê này được nhà sáng lập Facebook săn như một phần của sự kiện thử thách năm mới nổi tiếng thời điểm đó. Zuckerberg tuyên bố sẽ chỉ ăn phần thịt do chính tay mình săn. Năm ngoái, khi trả lời tờ Rolling Stone, Dorsey – một người rất kỹ tính trong ăn uống và có thói quen ngừng ăn gián đoạn – cho biết món thịt dê lạnh ngắt. "Tôi chỉ ăn salad."
Bữa ăn này không đơn thuần chỉ là sự tương tác kỳ quái giữa hai ông trùm quyền lực bậc nhất giới công nghệ. Theo một cách cực đoan, nó minh họa cho sự thật là: Jack Dorsey và Mark Zuckerberg luôn rất khác nhau. Sự khác biệt này, đến nay, một lần nữa xuất hiện, xoay quanh tầm nhìn chính sách các ứng dụng xã hội do họ làm chủ, hiện đang là tâm điểm tranh cãi chính trị, về các nội dung sai lệch, quyền tự do ngôn luận và kiểm duyệt nội dung trong thời đại số.
Trung tâm của cuộc tranh cãi là tổng thống Mỹ Donald Trump, một người dùng Twitter lâu năm và sử dụng nền tảng này như một công cụ truyền thông. Sự không hài lòng của ông Trump chạm giới hạn khi mới đây, tổng thống đã ký một sắc lệnh nhắm thẳng đến Facebook và Twitter. Sắc lệnh này sẽ tạo tiền đề cho cuộc thảo luận, liệu các nền tảng truyền thông xã hội nên duy trì là một nhà phân phối nội dung đơn thuần, hay nên trở thành nhà xuất bản nội dung? (theo mục 230 Đạo luật Chuẩn mực truyền thông Hòa Kỳ năm 1996 - the 1996 Communications Decency Act).
Vài ngày sau khi Trump tuyên bố (qua Twitter) kế hoạch thách thức những gã khổng lồ công nghệ, phản hồi từ Dorsey và Zuckerberg tất nhiên không hề giống nhau. Trong khi Twitter lựa chọn hành xử cứng rắn, sẵn sàng gán cờ vi phạm cho tweet của tổng thống Mỹ là truyền tải thông tin sai lệch về phiếu bầu cử qua email và là hành vi "thúc đẩy bạo lực", thì Facebook lại cố gắng xoa dịu ông Trump bằng cách không có động thái gì với các bài đăng có nội dung tương tự trên nền tảng này.
Twitter gắn cờ vi phạm, để ẩn thay vì xóa tweet của Tổng thống Mỹ vì bài viết nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng |
Qua sự việc này, Zuckerberg và Dorsey còn công khai chỉ trích lẫn nhau, một điều rất hiếm thấy trong giới thượng lưu ở thung lũng Sillicon. Ngày 27/5, Zuckerberg đã đến Fox News (kênh truyền thông khá gần gũi với ông Trump) để tuyên bố rằng: Facebook không nên trở thành "người phán xử sự thật" như cách Twitter đang làm. Vài giờ sau đó, mặc dù không đề cập trực tiếp đến Facebook, Dorsey đã viết một loạt tweet với nội dung "Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ ra các thông tin sai sự thật hoặc gây tranh cãi về các cuộc bầu cử toàn cầu" và "Hành động đó không nhằm mục đích trở thành ‘người phán xử sự thật'".
"Hai công ty rõ ràng đang tiếp cận vấn đề theo hai hướng khác nhau.", Jen King, giám đốc Trung tậm Internet và Xã hội thuộc trường Đại học Luật Stanford (Stanford Law School's Center for Internet and Society) nhận định. Mặc dù hành động của Twitter gây ra nhiều chú ý hơn, thậm chí nếu Twitter đi chậm lại, Dorsey sẽ vẫn cảm thấy thoải mái. Twitter và Dorsey hoàn toàn khác biệt với Facebook và Zuckerberg . Bà nói "Trong phạm vi mà giá trị cốt lõi các công ty theo đuổi phản ánh tinh thần của những người lãnh đạo, Twitter đang cho thấy họ không có quá nhiều những câu hỏi về đạo đức như Facebook."
Chia rẽ sâu sắc
Trong nhiều năm qua, thung lũng Sillion vẫn luôn phải hứng chịu những lời phàn nàn vô cớ của tổng thống Donald Trump cáo buộc họ đang xa rời tư tưởng bảo thủ. Đỉnh điểm vào ngày 28/5, cơn thịnh nộ của ông Trump nổ ra dành cho Twitter, mạng xã hội ông sử dụng hàng ngày và có tới 80 triệu người theo dõi. Tổng thống cho thấy sự giận dữ khi ký một sắc lệnh mạnh tay với các công ty truyền thông xã hội.
"Chúng ta ở đây hôm nay để bảo vệ cho quyền tự do ngôn luận khỏi một trong những mối nguy hiểm bậc nhất trong lịch sử nước Mỹ", ông Trump phát biểu tại phòng Bầu Dục khi ký sắc lệnh này.
Giọt nước tràn ly khi Twitter lần đầu gán cờ cảnh báo cho hai tweet của tổng thống vào đầu tuần trước. Tweet đầu tiên nói về về gian lận bầu cử qua thư điện tử, phía Twitter nhận định bài đăng chứa "thông tin có thể gây hiểu lầm".
Chỉ hai ngày sau khi bài đăng đầu tiên bị gán cờ vi phạm, Twitter tiếp tục hành động tương tự với một bài đăng khác của tổng thống. Trong đó, ông Trump cảnh báo những người biểu tình ở Minneapolis rằng những kẻ phá hoại sẽ bị bắn bỏ. Sự bất ổn này đến từ cái chết của George Floyd. Người đàn ông da đen đã bị cảnh sát da trắng kê gối lên gáy, dẫn đến nghẹn thở. Twitter cho biết, bài đăng này vi phạm chính sách của hãng. Nội dung tweet "tôn vinh bạo lực". Tờ New York Times đưa tin, sau một cuộc họp bất thường lúc nửa đêm, ông chủ Twitter, Jack Dorsey, đã đồng ý gắn cờ vi phạm bài đăng.
Ngày 28/5, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh nhắm vào các trang mạng xã hội |
Tương tự, ông Trump đăng tải lên Facebook nội dung đề cập đến việc quân đội có thể sẽ hành động để trấn áp tình hình bạo loạn. Facebook không có bất cứ hành động cảnh báo nào về việc này. Bài đăng đạt hơn 240.000 lượt thích và 64.000 lượt chia sẻ.
Tuy nhiên, ông chủ của Facebook, Zuckerberg đã có hành động giải thích vào chiều ngày 29/5, sau khi nhân viên công ty đặt câu hỏi về ảnh hưởng của quyết định không hành động. Một nhân viên của Facebook viết "Tất cả những điều hành cho thấy nguy cơ leo thang bạo lực và tình trạng bất ổn dân sự rất cao vào tháng 11 tới.", "Nếu phép thử này chúng ta sai, lịch sử sẽ chẳng nhìn nhận chúng ta tử tế đâu."
Chia sẻ về quyết định của mình, Zuckerberg cho biết "Tôi phải vật lộn cả ngày để tìm cách phản hồi các bài đăng của ngài tổng thống." Khi ông Trump đề cập đến việc sử dụng lực lượng Vệ binh Quốc gia, Facebook cho rằng đây "như lời cảnh cáo của chính quyền" và sẽ giữ nguyên bài viết.
"Cá nhân tôi, tôi cũng có những phản ứng bài xích nhất định đối với những lập luận mang tính chia rẽ và kích động như vậy.", Zuckerberg nói thêm. "Nhưng tôi chịu trách nhiệm cho phản ứng không chỉ cá nhân tôi mà còn với tư cách lãnh đạo của một tổ chức cam kết về quyền tự do. Tôi biết nhiều người sẽ không vui khi chúng tôi để lại bài đăng của ngài tổng thống, nhưng quan điểm của chúng tôi là cố gắng tỏ thái độ trung lập nhiều nhất có thể, trừ khi đó là nguyên nhân gây ra mối nguy hiểm cụ thể nào đó, được nhắc đến trong các chính sách rõ ràng."
Sắc lệnh của ông Trump yêu cầu các ủy ban chính phủ, bao gồm Ủy ban Truyền thông Liên bang (Federal Communications Commission - FCC) và Ủy ban Thương mại Liên bang (Federal Trade Commission - FTC) giải thích lại luật CDA, bộ luật đang tồn tại như một tấm khiên bảo vệ các nền tảng công nghệ truyền thông xã hội tránh khỏi trách nhiệm liên quan đến nội dung người dùng đăng tải. Nhiều luật sư, nhà hoạt động xã hội và học giả cho rằng sắc lệnh này khó có thể thực hiện được và sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức pháp lý. FCC và FTC đều là các cơ quan độc lập, do đó, hành động theo sắc lệnh hay không là tùy thuộc vào quyết định của từng cơ quan.
Nhưng điều này không khiến sắc lệnh trở nên vô nghĩa. Hành động quyết liệt của Tổng thống Mỹ có thể đẩy Dorsey, Zuckerberg và lãnh đạo các nền tảng truyền thông xã hội khác buộc phải có phương án tiếp cận mới theo hướng kiểm duyệt nội dung.
Twitter và Facebook từng rất khác nhau trong các quyết định về chính sách trong quá khứ. Năm ngoái, Dorsey cho biết Twitter sẽ cấm các quảng cáo chính trị, áp dụng cho một số nhóm đối tượng cụ thể. Ví dụ, Twitter cho phép quảng cáo chứa các vấn đề liên quan đến môi trường hoặc kinh tế, nhưng sẽ không cho phép quảng cáo về các giải pháp chính trị hoặc pháp lý cụ thể.
CEO của Twitter - Jack Dorsey |
Trong khi đó, Facebook tỏ ra cởi mở hơn với marketing chính trị. Mạng xã hội này không gửi quảng cáo từ các chính trị gia đến người kiểm duyệt nội dung cụ thể nào mà sẽ chứa chúng trong một cơ sở dữ liệu công khai. Facebook cũng giới hạn số lượng quảng cáo chính trị mà người dùng có thể xem. Giữa những ý kiến chỉ trích, Zuckerberg trong một bài phát biểu tại đại học Georgetown năm ngoái đã lên tiếng bảo vệ đường lối này, và gọi đây là "tự do ngôn luận".
Trong bối cảnh lại một lần nữa Twitter và Facebook không cùng chung tầm nhìn định hướng, các nhóm nhân quyền đang tỏ ra ủng hộ phía Twitter hơn. Nhưng họ cho rằng Dorsey có thể làm nhiều hơn thế.
Henry Fernandez, đồng sáng lập của liên minh Change the terms (một liên minh tập trung vận động "làm giảm sự thù ghét trên internet") nhận xét: "Hiện giờ, Twitter đang được ủng hộ, họ để mắt đến cộng đồng người sử dụng, và cam kết chống lại các thông tin sai lệch và đe dọa bạo lực, kể cả người đăng có là Tổng thống Mỹ. Điều đó chứng minh lập trường rõ ràng và nhất quán của họ."
"Cả thế giới đang dõi theo"
Zuckerberg, 36 tuổi và Dorsey, 43 tuổi, thật ra cũng có vài điểm khá giống nhau. Cả hai đều bỏ học tại các trường đại học danh tiếng để cuối cùng theo đuổi đam mê tại Thung lũng Sillicon. Cả hai cùng xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông khi công ty gặp khó khăn, và đều luôn không thoải mái với ánh đèn truyền hình. Cả hai đều cam kết sẽ cho đi khối tài sản trị giá hàng tỷ đô la.
Nhưng xét cho cùng, họ là hai thái cực đối lập.
Zuckerberg thường nhắc tới Bill Gates như một người có sức ảnh hưởng lớn. Cả hai đều bỏ học Harvard. Cả hai đều đề cao lý trí, suy nghĩ cẩn trọng, thậm chí Zuckerberg còn từng bị gọi là robot. Giống với Gates, Zuckerberg cũng rất chăm chỉ làm từ thiện. The Chan Zuckerberg Initiative, một tổ chức từ thiện do Zuckerberg và vợ, bà Priscilla Chan, thành lập năm 2015, tập trung vào các vấn đề giáo dục và y tế, cũng giống những gì mà quỹ từ thiện 20 năm tuổi của cặp vợ chồng quyền lực Bill và Melinda Gates hướng đến.
CEO của Facebook - Mark Zuckerberg |
Ngược lại, câu chuyện của Dorsey lại gần giống với Steve Jobs - đối thủ lớn nhất của Gates. Đồng sáng lập của Apple từng bị đuổi khỏi công ty của chính mình, sau đó trở lại để cứu công ty đang trên bờ vực phá sản năm 1996. Dorsey cũng vậy, ông bị buộc rời khỏi Twitter nhiều năm, trước khi quay trở lại vị trí điều hành vào năm 2015.
Giống như Jobs, người vẫn thường bị đánh giá là "lập dị", Dorsey cũng được biết đến với vô số điều kỳ quặc. Tờ New York time từng gọi ông là "Gwyneth Paltrow của Thung lũng Sillicon" (Gwyneth Paltrow là một diễn viên tài năng nổi tiếng bậc nhất và cũng bị nhận nhiều nhận xét khó ưa nhất làng giải trí). Lý do bởi Dorsey theo đuổi chế độ sức khỏe khắc khổ như những thầy tu. Ông là một chuyên gia về thiền định, tắm nước đá và nhịn ăn gián đoạn. Tương tự Steve Jobs, từng đồng thời giữ vai trò tại Pixar và Disney khi đang điều hành Apple, Dorsey hiện cũng đang quản lý cả Twitter và Square, một công ty thanh toán di động do chính ông thành lập.
Dorsey từng có quá khứ liên quan đến các hoạt động xã hội. Năm 2014, ông từng tham gia cuộc biểu tình tại Ferguson, Missouri nhằm phản đối cái chết của Michael Brown, một thanh niên da đen 18 tuổi bị bắn chết bởi một sĩ quan cảnh sát da trắng. Dorsey lớn lên tại vùng St. Louis gần đó. Dorsey cho biết tại thời điểm biểu tình nổ ra, ông đã "choáng váng" khi thấy mọi người sử dụng Twitter để cùng nhau đoàn kết cất lên tiếng nói phản kháng.
Dorsey cho rằng: "Điều này có ý nghĩa quan trọng" và "Giống như cả thế giới đang cùng nhau dõi theo một sự việc."
Theo CNET
Đăng nhận xét