"Coffee nap" - Tốt hơn một cốc cà phê và một giấc ngủ ngắn


Nếu bạn đang cực kỳ buồn ngủ những vẫn muốn tỉnh táo để làm việc, và bạn có khoảng 20 phút hoặc hơn để nghỉ ngơi, bạn nên thử “take a coffe nap” – uống một ly cà phê và dành ra một khoảng thời gian ngắn để nghỉ ngơi. Nó sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với việc chọn 1 trong 2 cách để giữ tỉnh táo.

Hầu hết chúng ta đều biết rằng uống cà phê sẽ giúp chúng ta tỉnh táo, và hiển nhiên cà phê trở thành một biện pháp giúp chống lại cơn buồn ngủ và sự mệt mỏi. Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng đồ uống có chứa caffeine, điển hình là cà phê, ngay sau đó chợp mắt khoảng 20 phút, bạn sẽ có thể tận dụng tối đa lợi ích của cả việc uống cà phê lẫn chợp mắt để giảm thiểu sự mệt mỏi và cơn buồn ngủ xuống mức thấp nhất. Và sau đây là cách mà giới khoa học giải thích cho hiện tượng trên.


Cách mà “coffee nap” phát huy tác dụng

Để hiểu cách hoạt động của “coffee nap”, cần hiểu rõ caffeine ảnh hưởng đến chúng ta thế nào. Sau khi nạp caffeine, chúng sẽ nhanh chóng được hấp thụ từ ruột vào máu. Từ đó, chúng đi đến gan và sẽ phân hủy thành các hợp chất có thể ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan khác nhau, đặc biệt là não. Caffeine hoạt động bằng cách ngăn chặn tác dụng của adenosine - chất dẫn truyền thần kinh giúp thư giãn não bộ (và cũng khiến bạn cảm thấy mệt mỏi). Thế nhưng, caffeine không thể ức chế toàn bộ adenosine.

Chúng ta cần biết rằng, bí quyết tốt nhất và tự nhiên nhất để giảm thiểu (và loại bỏ) sự ảnh hưởng của adenosine chính là: ngủ. Thế nhưng, nếu bạn ngủ lâu hơn 20 phút, não sẽ bắt đầu chuyển sang chế độ ngủ sâu và đòi hỏi nhiều thời gian hơn để tỉnh táo hoàn toàn sau giấc ngủ. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ chợp mắt trong khoảng 20 phút đổ lại, bạn sẽ không bị rơi vào tình trạng ngủ sâu, và cơ thể vẫn được nghỉ ngơi. 20 phút cũng là khoảng thời gian để caffeine có thể thực sự bắt đầu phát huy hiệu quả tốt nhất.


Nhiều thử nghiệm đều chứng minh rằng “coffee nap” thì tốt hơn “coffee” và “nap”

Tuy chưa trực tiếp “quan sát” được quá trình hoạt động của não bộ sau khi trải qua “coffee nap”, các nhà khoa học vẫn thu được dữ liệu nhất định từ trải nghiệm của những người thực hiện “coffee nap”. Các tình nguyện viên thử nghiệm phương pháp này cho biết, khi họ rơi vào tình trạng mệt mỏi hay buồn ngủ tột độ nhưng vẫn còn những công việc cần phải hoàn thành, họ sử dụng cách thức “coffee nap” trong khoảng 15 phút. Sauk hi trải qua 15 phút đó và bắt đầu quay trở lại làm việc (hoặc lái xe), sự gián đoạn hay các lỗi có thể mắc phải trong quá trình làm việc đều được giảm thiểu hẳn, ít hơn rất nhiều so với việc chỉ sử dụng cà phê hoặc chỉ chợp mắt.

Một nghiên cứu khác ở Nhật Bản cho thấy, những người sử dụng cách thức “coffee nap” trước khi thực hiện bài kiểm tra trí nhớ đều có kết quả tốt hơn so với những người chỉ sử dụng đồ uống có chứa caffeine hoặc chỉ chợp mắt. Họ cũng cảm thấy khỏe khoắn hơn nhiều.

Một nghiên cứu khác cũng thú vị không kém chính là 24 thanh niên khỏe mạnh sau khi trải qua khoảng 1 ngày không ngủ, được chia thành 2 nhóm, nhóm A chỉ chợp mắt trong khoảng 20 phút, và nhóm B thực hiện 20 phút “coffee nap”. Sau đó, họ được yêu cầu thực hiện bài kiểm tra nhận thức. Kết quả cho thấy nhóm A có số điểm thấp hơn so với nhóm B.


Thực hiện “coffee nap” thế nào?

Cũng khá đơn giản, như thứ tự tên gọi thì lần lượt là coffee và nap. Trước hết, hãy uống một cốc cà phê (bạn cũng có thể sử dụng thức uống có chứa caffeine khác, tuy nhiên thì chúng sẽ không thể so được với một cốc cà phê chính hiệu). Nhớ là hãy nhanh chóng uống hết cốc cà phê đó nhé. Sau đó thì đương nhiên là “take a nap”, chợp mắt thôi nào. Bạn có thể sẽ khó mà ngủ được liền, nhưng điều đó cũng k thành vấn đề. Chỉ cần cố gắng thả lỏng cơ thể và đầu óc nhất có thể, hãy để bản thân được thư giãn. Nhớ đặt báo thức nhé nếu bạn không thể “tự dậy” được. “Coffee nap” tốt nhất chỉ nên diễn ra từ 15-20 phút.


Chúc mọi người sẽ có một trải nghiệm thú vị và thành công 🤪
Theo: Tinh Tế

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn