Định vị Việt Nam trên bản đồ CNTT thế giới tương lai


Trong thời gian gần đây, hầu như trong các lúc rảnh rỗi, tôi đều tranh thủ online để tìm hiểu về các các vấn đề CNTT mình đang băn khoăn hiện nay. Điều này đã đưa tôi đến rất nhiều điều thú vị khác nhau, giúp tôi dần có được một cái nhìn tổng quan hơn và hi vọng sẽ sớm tìm ra được các câu trả lời :)

CNTT Việt Nam từ góc nhìn nhân lực
Nhân lực vẫn luôn là vấn đề xem xét đầu tiên khi định vị một quốc gia trên bản đồ CNTT thế giới. Xét về khía cạnh này thì Việt Nam còn quá khiêm tốn. Theo một số liệu gần đây thì hiện tại Việt Nam mới chỉ có 57.000 người làm trong lĩnh vực phần mềm, có thể tạm thời hiểu là lập trình viên. Trong khi đó con số này ở Mỹ là 3 triệu, ở Trung Quốc và Ấn Độ là khoảng 2 triệu. Do đó việc các trường đại học, cao đẳng ào ạt tuyển sinh CNTT hiện nay ở một khía cạnh nào đó có thể xem là bước đi cần thiết. Vấn đề quan trọng còn lại là làm sao để từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ này.

Ngoài ra, trình độ nhân lực lập trình viên ở Việt Nam nói chung vẫn còn ở mức độ thấp. Nên trong tương lai vài năm tới vẫn cần tập trung vào việc học hỏi nâng cao trình độ. Xét theo khía cạnh này thì phần lớn số đông vẫn nên theo lĩnh vực gia công, tuy nhiên nên dần tập trung vào những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế để chuẩn bị cho tương lai.

Đi tìm những công ty CNTT Việt Nam tiềm năng tương lai
Trong bối cảnh như ở trên thì tương lai gần sẽ khó có sự xuất hiện của các công ty với một đội ngũ dream team cùng những sản phẩm CNTT đột phá như tham vọng của một số công ty trẻ Việt Nam hiện nay.

Điều này có thể giải thích với việc hầu hết các công ty hiện nay đều đang tập trung thị trường trong nước. Trong khi đó thị trường trong nước vẫn còn quá nhỏ để tạo ra một nguồn thu đủ trả cho một đội ngũ những người giỏi, đôi lúc dù trả vẫn chưa chắc tìm được người phù hợp bởi nguồn nhân lực này đang khan hiếm nên họ có khá nhiều lựa chọn như ra nước ngoài hay làm việc ở các tập đoàn đa quốc gia. Nơi họ có được các chế độ đãi ngộ, cơ hội và danh tiếng lớn hơn nhiều.

Do đó theo suy nghĩ của riêng tôi, những công ty CNTT Việt Nam triển vọng trong tương lai sẽ phải là những công ty có được thị trường quốc tế. Đây có thể là những công ty do Việt Kiều hay người nước ngoài đến Việt Nam thành lập, hay cũng có thể là những công ty Việt Nam nhanh nhẹn từng bước len lỏi vào các thị trường mới như các ứng dụng smartphone bán trên các App Store. Hoặc những công ty tận dụng tốt vị trí của Việt Nam như một thị trường CNTT lớn ở Đông Nam Á và từng bước vươn ra khu vực. Tuy nhiên sẽ phải mất một khoảng thời gian nhất định để những công ty như vậy xuất hiện.


Chờ đợi những tập đoàn CNTT Việt Nam
Việt Nam là một nước nhỏ nếu đem ra so với Trung Quốc, Ấn Độ. Do đó việc phát triển dàn trải gần như sẽ không tạo ra được lợi thế nào đáng kể, điển hình là tình thế CNTT Việt Nam hiện nay.

Nhìn sang Hàn Quốc và Đài Loan, họ đều tập trung toàn sức cho ngành vi mạch vào khoảng những năm 60-70 và đã nhanh chóng trở thành những quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực hiện nay. Chính phủ hai nước này đều xoay quanh một vài tập đoàn CNTT chủ lực, ví dụ như LG & Samsung của Hàn Quốc, rồi từng bước hình thành các công ty vệ tinh xung quanh các hạt nhân này.

Do đó có thể nói vai trò của các tập đoàn viễn thông Việt Nam như Viettel, VNPT trong thời gian tới sẽ cực kì quan trọng. Đây sẽ là các công ty đóng vai trò nòng cốt trong việc đẩy nhanh quá trình hoàn thiện hạ tầng CNTT ở Việt Nam, từng bước vươn ra thị trường bên ngoài và làm hạt nhân để tạo ra hệ thống các công ty vệ tinh chư hầu. Có vẻ chính phủ đã xác định viễn thông và những dịch vụ mobile internet sẽ là chủ lực của các tập đoàn này. Nếu làm tốt, giá trị tương lai các tập đoàn này hoàn toàn có thể đạt ngưỡng 20-30 tỉ USD, và góp phần tạo ra hàng trăm công ty vệ tinh với giá trị chục triệu USD trở lên. Một tình thế tương tự so với Đài Loan hiện tại với các công ty vi mạch.


Tất nhiên tất cả viễn cảnh nêu trên đều nhìn dưới lăng kính của một người khá lạc quan như tôi :). Rất có thể với cách phát triển lộn xộn như hiện nay, Việt Nam sẽ vẫn là một thị trường tiêu thụ CNTT như hiện tại. Tuy nhiên tương lai vẫn đang còn ở phía trước, chúng ta vẫn cứ nên hy vọng để ...tiếp tục phấn đấu ;)). Riêng bản thân tôi vẫn tin vào những nỗ lực của chính phủ, cũng như một số bạn bè xung quanh cùng chí hướng. Vấn đề hiện tại là hạ tầng Việt Nam vẫn còn chưa hoàn thiện và sẽ còn phải mất ít nhất từ 3-5 năm nữa. Nên tôi nghĩ có lẽ đây là thời điểm tốt để tôi quay lại niềm đam mê nghiên cứu học tập và mơ về giấc mơ triệu phú công nghệ trong vòng 5-10 năm nữa của mình ^_^

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn