Từ Google I/O nghĩ về một thế giới Internet mở và cơ hội quá độ cho CNTT Việt Nam


Sự kiện Google I/O 2010 diễn ra tuần trước quả là một bữa tiệc hoành tráng làm no mắt những người yêu thích công nghệ Google. Đây cũng là lần đầu tiên các bài diễn thuyết chính (keynote) của hội nghị này được truyền hình trực tiếp trên Youtube nên những lập trình viên như tôi, mặc dù ở cách xa nửa vòng trái đất và lệch tới 14 tiếng đồng hồ vẫn có cơ hội cùng xem và cảm giác được sự hồi hộp từng phút qua sự dẫn dắt chương trình vui nhộn của các Googlers. Tuy nhiên xen lẫn trong niềm vui là một cảm giác gì đó hơi ...choáng ngợp, quả thật không biết đến bao giờ Việt Nam mới có được những kỹ sư đạt đẳng cấp ngang ngửa những kỹ sư của Google và cũng không biết liệu có một lúc nào đó các công ty CNTT trong nước có thể cùng bắt tay như những công ty nước ngoài đang làm để định nghĩa những chuẩn mở chung định hướng cộng đồng, cho dù họ có thể là đối thủ cạnh tranh trực tiếp trên một số lĩnh vực nào đó :)

Quay trở về nội dung chính của hội nghĩ năm nay, có thể thấy Google vẫn đang nỗ lực xoay quanh hai mục tiêu chính như năm ngoái, nhưng đã có những nỗ lực và tiến triển hơn rất nhiều

* Về mục tiêu thứ nhất, Google vẫn đang nỗ lực khuyến khích và đẩy mạnh các ứng dụng web tương lai trên nền tảng mở HTML5 với tham vọng các ứng dụng web có thể đạt sức mạnh ngang ngửa với các ứng dụng desktop hiện tại như: video, games, các ứng dụng đòi hỏi nhu cầu lưu trữ cục bộ... Đây là một nước cờ chiến lược của Google bởi nếu họ đạt được một số thành công nhất định trong lĩnh vực này thì sẽ là một đòn cực mạnh nhắm tới đối thủ Microsoft hiện vẫn đang là bá chủ trong lĩnh vực hệ điều hành và phần mềm văn phòng hiện nay. Tuy nhiên HTML5 vẫn còn là một công nghệ quá mới để được chấp nhận một cách rộng rãi trong cộng đồng và sự ra đời sắp tới của Chrome OS cũng như Chrome App Store hi vọng sẽ phần nào làm rõ hơn về diện mạo và vị thế của Google trong cuộc chiến này.


* Nỗ lực thứ hai cũng không kém phần quan trọng và thú vị, hệ điều hành đang nổi đình đám hiện nay, Google Android 2.2. Có lẽ đa phần mọi người đều nghĩ mục tiêu chính của Android là nhắm tới thị trường smartphone đang có những tăng trưởng cực kỳ ấn tượng. Tuy nhiên qua hội nghị lần này, có thể thấy tham vọng rất rõ của Google là sẽ từng bước bành trướng sang các lĩnh vực khác như TV (với sự ra mắt trong năm nay của Google TV), máy tính bảng, máy chơi games như xBox, Play Station và có thể còn nhiều các thiết bị khác. Những lĩnh vực có vẻ phần nào Microsoft đã bỏ quên do chưa thấy tiềm năng lợi nhuận lúc trước, nhưng giờ đây khi đặt dưới tay Google, đối thủ lớn nhất trong lĩnh vực quảng cảo trực tuyến, đã trở thành một vũ khí mạnh hơn bao giờ hết.


Đó là đứng dưới góc độ nhìn nhận của cộng đồng nói chung về những mục tiêu mà Google đang theo đuổi. Còn đứng dưới góc độ cá nhân của một người đã nghiên cứu và tìm hiểu sâu của Google trong vòng 4 năm trở lại đây, tôi nghĩ Google thực sự là đối thủ mạnh nhất về công nghệ tại thời điểm hiện tại. Điều này có thể thấy rõ khi nhìn vào cách thiết kế kiến trúc sản phẩm của họ rất tốt và có tính mở cao so với các đại gia khác như Microsoft hay Apple. Hướng đi của họ cũng được sự hưởng ứng rất lớn của cộng đồng do đã từng bước mở mã nguồn các sản phẩm của mình cũng như góp phần định nghĩa ra những chuẩn mở thay vì đóng lại. Do đó tôi hoàn toàn có thể dựa trên các công nghệ của Google, nhưng vẫn có khả năng quản lý toàn bộ dự án và chuyển sang hệ thống của riêng mình trong tương lai. Một điều gần như không thể với các phần mềm đóng của Apple hay Microsoft.

Còn dưới góc nhìn vĩ mô hơn, tôi nghĩ chỉ trong tương lai gần sắp tới, các công nghệ của Google sẽ trở nên cực kỳ phổ biến ở Việt Nam. Ví dụ nếu một chiếc smartphone Android của Google với đầy đủ tính năng giải trí, học tập, kết nối những chỉ có giá 100USD thì chắc chắn một lượng lớn khách hàng ở Việt Nam sẽ ào ạt chuyển sang. Điều này hoàn toàn khả thi khi tình hình thực tế hiện nay là một số thương hiệu điện thoại Việt như QMobile, FMobile đều xuất phát từ Trung Quốc nhưng được thị trường chấp nhận khá tốt. Và cũng nên lưu ý rằng, Trung Quốc đã có những điện thoại nhái Android với giá chỉ 100USD không kèm hợp đồng. Điều này sẽ tạo ra những động thái tích cực cho giới trẻ Việt Nam được đánh giá là yêu thích công nghệ và ham học hỏi như hiện tại. Một ví dụ khác, với sự ra đời của Google TV cũng sẽ tạo ra cơ hội lớn cho các công ty truyền hình như VTC, Yeah1, YanTV... phổ biến rộng rãi hơn hình thức truyền hình theo yêu cầu của mình, khi mà đường truyền ở Việt Nam đang ngày càng được cải thiện theo chiều hướng tốt hơn.

Và cuối cùng, đứng dưới góc độ một lập trình viên, tôi nhìn nhận những công nghệ mở sẽ mang lại những giá trị lớn cho ngành CNTT Việt Nam nếu Việt Nam biết tận dụng một cách đúng đắn và hiệu quả. Thị trường các ứng dụng web và smartphone đang tăng trưởng với tốc độ cao, dẫn đến nhu cầu sản phẩm và cả gia công trong tương lai sẽ rất lớn. Và chính phủ cũng có thể tận dụng các chuẩn này để tiến lên một chính phủ điện tử mở hơn và nằm trong tầm kiểm soát của mình, hơn là lệ thuộc vào các chuẩn đóng. Các dịch vụ công sẽ từng bước được mở ra cho các công ty tư nhân tham gia cùng phát triển, còn nhiều người dân vốn chưa xài PC có thể quá độ lên thẳng các điện thoại thông minh giá rẻ và tiếp cận trực tiếp với các dịch vụ công trong hệ thống chính phủ điện tử. Một xã hội tuyệt vời, ít ra về mặt khía cạnh công nghệ, trong một đất nước đang phát triển như Việt Nam. Tất nhiên sẽ có những ý kiến về những viễn cảnh "quá lạc quan" này, tuy nhiên trước mắt có lẽ những lập trình viên như tôi vẫn sẽ tiếp tục ăn theo các chuẩn mở Google và cùng chờ xem ^_^

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn