Mọi thứ bạn cần biết về iCloud Plus, thêm nhiều tính năng hay cho người dùng iCloud


Apple vừa ra mắt dịch vụ bổ sung iCloud Plus dành cho người dùng thuê bao iCloud hiện tại, tiếp tục nâng bảo mật và riêng tư của người dùng lên một tầm cao mới. Sẽ có ba điểm mới trên iCloud Plus mà anh em cần biết nhưng quan trọng nhất là một tính năng giống mà cũng không giống VPN (mạng riêng ảo), mình sẽ nói chi tiết ở bên dưới.

iCloud Plus là gì?


iCloud Plus trước hết không phải một gói thuê bao mới cho người dùng iCloud, nó thực chất là sự bổ sung thêm 3 tính năng mới cho người dùng các gói hiện tại. Tức là anh em cứ dùng những gói iCloud mà anh em đang dùng và cùng mức tiền đó, chúng ta sẽ có thêm 3 tính năng mới.

Tuy nhiên do cuối năm 3 tính năng mới này mới được triển khai nên nhiều thứ còn mơ hồ, bản thân Apple cũng chưa nói rõ. 3 cái mới đó sẽ là email riêng tư, HomeKit Security Camera không giới hạn dung lượng và Private Relay. Do cái Private Relay là quan trọng nhất nên mình sẽ nói sau cùng để giải thích một cách chi tiết nhất.

Che giấu địa chỉ email


Apple gọi nó là Hide My Email (giấu địa chỉ email của tôi). Tính năng này cho phép bạn tạo một địa chỉ email dùng một lần trong trường hợp bạn sợ bị spam, dĩ nhiên địa chỉ email ảo đó vẫn sẽ chuyển tiếp thư tới tài khoản thật của bạn. Ngoài ra, bạn cũng có thể tạo một tên miền tùy biến để sử dụng và mời các thành viên trong gia đình cùng dùng tên miền đó. Hide My Email sẽ được tích hợp vào Mail, Safari và iCloud.

Dung lượng camera HomeKit không giới hạn

HomeKit Security Camera là tính năng cho phép người dùng sử dụng các camera an ninh trong hệ sinh thái nhà thông minh HomeKit của Apple và video sẽ được lưu trên tài khoản iCloud. Hiện tại, để lưu video bạn cần gói iCloud với dung lượng 200GB và chỉ được sử dụng với một camera, nếu nhiều hơn thì phải mua gói 2TB (giới hạn 5 camera).

Tuy nhiên điều này sẽ sớm thay đổi, Apple sẽ cho bạn sử dụng và lưu video từ nhiều camera an ninh hỗ trợ HomeKit Security. Sẽ không có giới hạn dung lượng hay giới hạn số camera an ninh mà bạn có thể dùng với gói iCloud 2TB, trong khi gói 200GB sẽ là giới hạn 5 camera. Số dung lượng video này sẽ không ảnh hưởng tới dung lượng gói iCloud.

Private Relay

Private Relay có cách hoạt động và lợi ích nó đem lại gần như VPN nhưng cao cấp và bảo mật hơn VPN. Khi bạn lướt web với Safari và truy cập vào một trang web nào đó, tính năng này sẽ mã hóa và gửi địa chỉ IP cũng như URL trang web đó tới một máy chủ do Apple sở hữu, vì thông tin đã mã hóa nên ngay cả Apple cũng không thể can thiệp và biết bạn đang truy cập vào trang web nào. Lại tiếp tục câu chuyện riêng tư ở đây, địa chỉ IP là một cái rất quan trọng và được nhiều bên sử dụng để truy vết bạn, từ đó cung cấp các thông tin quảng cáo. Với việc địa chỉ IP đã được Apple mã hóa thì chẳng bên nào biết được nữa và cũng không thể theo dõi bạn.


Chưa hết, sau khi địa chỉ IP và URL được mã hóa thì nó tiếp tục được gửi tới một trung gian nữa, và trung gian này không phải máy chủ do Apple sở hữu mà lại là một bên thứ 3, hiện tại Apple chưa liệt kê các đối tác này nhưng họ nói sẽ công bố khi iCloud Plus đi vào hoạt động. Máy chủ thứ hai này sẽ giải mã IP và URL để đưa người dùng đến đúng trang web họ muốn. Như vậy, Apple biết bạn là ai (vì bạn dùng Private Relay mà) nhưng không biết bạn đang truy cập trang web nào (vì IP đã mã hóa) còn đối tác bên thứ 3 kia sẽ biết bạn đang truy cập trang web nào (vì họ đóng vai trò giải mã địa chỉ IP) nhưng lại không biết bạn là ai (từ đó không thể theo dõi bạn).

Đến đây bạn đã biết Private Relay không giống VPN rồi. Với VPN, thông tin khi lướt web của bạn được mã hóa và gửi tới máy chủ của dịch vụ VPN đó, khi này các ISP (nhà cung cấp dịch vụ Internet) sẽ không biết bạn truy cập trang web nào và từ đâu, tức là cũng có bảo mật nhưng còn tùy vào độ tử tế của dịch vụ VPN đó. Nếu đó là một dịch vụ VPN tử tế, mọi thông tin lưu trên máy chủ của họ sau đó sẽ được xóa sạch nhưng với những dịch vụ kém uy tín và rẻ tiền thì chỉ có chúa mới biết họ sẽ làm gì với đống thông tin của bạn.


Tuy nhiên, Private Relay sẽ không có những tính năng của VPN mà người dùng cần và đôi khi, chúng ta sẽ phải sử dụng song song cả hai dịch vụ. Private Relay cũng chỉ hỗ trợ Safari nên nếu bạn dùng Chrome hay Firefox thì cũng vô dụng. Ngoài ra, Private Relay sẽ cung cấp cho trang web mà bạn truy cập thông tin về khu vực bạn đang sống (Bắc Kạn, Việt Nam chẳng hạn) nhưng không phải địa chỉ chính xác, sở dĩ phải làm vậy vì nhiều trang web sẽ dùng khu vực bạn đang sống để cung cấp các thông tin địa phương hóa trong khi vẫn giấu được địa chỉ chính xác.

Một hạn chế của Private Relay là không có khả năng định tuyến (route) bạn thông qua một máy chủ ở quốc gia khác như cách VPN làm. Nhiều anh em cần VPN cũng vì cái này, tức là fake IP để đánh lừa ISP rằng chúng ta đang ở một quốc gia khác và có thể truy cập các trang web bị chặn. Như vậy, Private Relay sẽ không giúp chúng ta truy cập trang web bị chặn mà vẫn sẽ cần VPN, dĩ nhiên sử dụng đồng thời cả hai được và không có xung đột gì cả.

Cập nhật lúc 16h ngày 10/6: sau khi cài iOS 15 beta thì mình đã dùng được iCloud Plus và Private Relay. Nó cho mình vào mấy trang web bị chặn luôn, không rõ sau này chính thức sẽ như nào. Hiện tại thì ngon, anh em hay vào trang bị chặn thì sướng nhé.

Private Relay sẽ sớm là tính năng mặc định của các gói thuê bao iCloud nhưng Apple giới hạn với một số quốc gia sẽ không có tính năng này, như Trung Quốc, Philipin, Belarus, Nam Phi, Ai Cập… Việt Nam không có trong danh sách giới hạn nên có thể sử dụng. Apple nói iCloud Plus sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm nay.

Nguồn: TinhTe, Reuters, Fast Company, 9to5 Mac, Apple Insider, The Verge
full-width

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn