Tiêu chuẩn của bản thân


Trước đây, thời chinh chiến freelancer bên ngoài với các đối tác đến từ khắp nơi trên thế giới, mình học được 1 điều là tiêu chuẩn của họ luôn rất cao so với mặt bằng chung ở mình (Việt Nam). Cái sự khắt khe ấy đôi khi đến từ 1 bạn sinh viên cần làm đồ án rất bình thường. Thậm chí giao diện có 1 lỗi chính tả, font to hay thấp là nhắc ngay. Còn ở mình, những lỗi nhỏ đó dễ được chấp nhận và bỏ qua.

Sau này, khi làm dự án với sếp mình, sếp cũng hay nhìn vào những điểm rất nhỏ. Ban đầu nghĩ đó là soi, để ý tiểu tiết, nhưng rồi học được nhiều điều hơn, sản phẩm làm ra tốt hơn, ít lỗi hơn.

Mình nghĩ, sở dĩ có sự khác biệt đó là bởi vì có 1 thứ gọi là “Tiêu chuẩn” (Standard). Tiêu chuẩn của 1 người là cách họ nhìn nhận xem “như thế nào thì là bình thường” đối với họ.

Mình làm việc với một bạn lập trình viên có tiêu chuẩn cao, khi bạn hoàn thành một công việc nào đó thì bạn sẽ khắt khe với chính mình hơn. Đôi lúc, có những việc rất nhỏ tưởng chừng như không hề liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ của bạn, như một lỗi chính tả trong kịch bản, hay một vài đối tượng được mô tả chưa hợp lý, thì bạn sẽ chủ động phản hồi lại cho mình, hoặc cho người viết kịch bản để điều chỉnh lại cho hợp lý.

Khi bạn hiện thực một logic nào đó, bạn sẽ chủ động suy nghĩ đến những tình huống khác chưa được mô tả để làm rõ nó hơn. Trái lại, một bạn lập trình viện có tiêu chuẩn thấp hơn, bạn sẽ dễ hài lòng và thỏa hiệp với công việc của mình. Bạn nhận yêu cầu có vài điều chưa hợp lý trong đó, bạn sẽ vẫn cứ làm theo. Có lỗi thì sửa sau, lo gì? Với bạn, nhiệm vụ của bạn chỉ là code, yêu cầu được tạo ra là do người khác. Nên bạn chỉ cần hoàn thành nhiệm vụ của mình, vậy là được. Bất kể nó có không hợp lý thế nào đi nữa. (quay lại note trước: vụ ấn nhầm cái nút báo động).

Làm việc với một bạn designer có tiêu chuẩn cao, mình sẽ cảm thấy bạn chịu lắng nghe yêu cầu từ phía mình hơn. Khi thiết kế của bạn được duyệt, bạn sẽ không dừng lại ở đó mà còn tự suy xét lại quá trình mình làm trước đó đã ổn hay chưa. Rằng bạn có biết cách đặt câu hỏi và góp ý để bản thiết kế được tạo ra đúng với mục đích ngay từ đầu hay không? Rằng tại sao khách hàng lại yêu cầu thay đổi nhiều như vậy? Là do bạn chưa tìm cách hiểu đúng cũng như khơi gợi khách hàng nói ra những điều họ nghĩ và cảm nhận, hay chỉ đơn giản là họ thích đổi ý mà thôi? Trái lại, một bạn designer có tiêu chuẩn thấp sẽ tự hài lòng với mình ngay khi bản thiết kế của bạn được chấp nhận. Và bạn sẽ ngay lập tức nghĩ đến làm việc khác ngay, thay vì dừng lại và rút kinh nghiệm. Vì với bạn, vậy đã là được.

Nhìn chung, khi làm việc với những bạn có tiêu chuẩn cao, dù rằng bạn còn trẻ, mình vẫn sẽ có tự tin khi giao nhiệm vụ cho các bạn. Vì mình tin, bản thân bạn sẽ chủ động tìm tòi và đặt câu hỏi để bản thân hoàn thành công việc. Bạn vẫn có thể phạm sai lầm, nhưng sau khi phạm sai lầm đó, bạn sẽ chấp nhận và rút kinh nghiệm từ đó. Một bạn có tiêu chuẩn làm việc cao, thường khi được chỉ ra sai lầm, bạn sẽ nhanh chóng điều chỉnh để không phạm phải sai lầm đó. Còn bạn có tiêu chuẩn thấp, thì thường biểu hiện sẽ ngược lại, rằng "vậy đã là được rồi, cần gì làm tốt hơn" - hay “làm đến thế thôi, làm tốt có ai quan tâm đâu”, đôi khi còn phản ứng theo cách tiêu cực hơn nữa, bỏ cuộc hoặc phản kháng kiểu “ông biết cái đéo gì mà nói”.

Một team, gồm những người có tiêu chuẩn cao làm việc với nhau, sẽ mang đến chất lượng công việc cao hơn hẳn. Vì từng thành viên đều hướng đến việc không chỉ hoàn thành công việc của mình, mà còn hoàn thành nó một cách trọn vẹn nhất. Khi có lỗi xảy ra, mỗi thành viên sẽ tự xem lỗi ở khâu nào để cùng chỉnh sửa, thay vì đổ lỗi cho nhau. Chỉ có như vậy thì tất cả mọi người trong team mới ngày 1 hoàn thiện hơn, tiêu chuẩn ngày 1 cao hơn.

Bản thân mình tin rằng, tiêu chuẩn là một trong các nhân tố giới hạn năng lực bản thân nhiều nhất. Bạn có thể trẻ, có thể non kinh nghiệm, nhưng đừng để tiêu chuẩn của bạn thấp. Khi tiêu chuẩn của bạn cao trong công việc cũng như trong cuộc sống, bạn sẽ luôn không ngừng phấn đấu, không ngùng học hỏi, quan sát, không ngừng rút tỉa kinh nghiệm cho bản thân mình. Từ đó, bạn sẽ không ngừng tiến bộ. Trái lại, nếu tiêu chuẩn của bạn tự đề ra cho mình thấp, bạn sẽ dễ hài lòng với cuộc sống thực tại, dễ thỏa hiệp với bản thân, thấy khó là bỏ. Dần dần, bạn sẽ càng ngày càng tụt lại so với những người xung quanh. Bất kể trong công việc hay trong cuộc sống - Dừng lại, chính là đi lùi, mình tin vậy.

Một người sau 1 khoảng thời gian dài (3 tháng là 1 khoảng thời gian đủ để gọi là dài) nếu không có tiến bộ (nâng cao tiêu chuẩn), đây chính là đi lùi. Nếu khoảng thời gian đó dài hơn, chỉ có 2 khả năng:
  1. Bản thân họ không có nhu cầu. Với những người như vậy, thì rất khó để thay đổi, vì nâng cao tầm và nhận thức của bản thân là cái gì đó xa xôi và họ không cần - không muốn. Giống con cua chỉ muốn mãi độc bá cái khoảng trời trong miệng giếng. 
  2. Họ chưa tìm được cách. Đọc tiếp đoạn bên dưới 
Vậy thì làm sao để nâng cao tiêu chuẩn bản thân? Một vài cách mình thấy hiệu quả:
  1. Tìm kiếm một môi trường có tiêu chuẩn cao để sinh hoạt và làm việc. Một môi trường có tiêu chuẩn cao, là nơi có những người khắt khe với sai lầm của bạn. Mọi lỗi lầm dù nhỏ đều được mang ra mổ xẻ để rút kinh nghiệm. (Đương nhiên: bạn phải có nhu cầu nâng cao tiêu chuẩn bản thân, nếu không sẽ là phản tác dụng.) Nếu không chỉ ra, sai lầm 1 lần mà lần sau vẫn tái phạm hoặc không được ai chỉ ra, đấy là 1 một môi trường có tiêu chuẩn thấp, dễ dàng bằng lòng với những thứ không đủ tốt. Mà bằng lòng với thứ không đủ tốt thì bản thân cũng sẽ không tốt lên được. Mình tin là như thế.
  2. Quan sát những người giỏi trong lĩnh vực của mình làm việc. Khi càng ngày càng đi sâu vào một lĩnh vực nào đó, đằng sau mỗi hành động, mỗi câu chữ đều sẽ có ý nghĩa riêng của nó. Một người càng giỏi thì quá trình suy nghĩ dẫn đến hành động của họ sẽ càng nhiều, vì vậy mà họ sẽ hành động một cách thấu đáo hơn. Hãy luôn tự đặt câu hỏi "Tại sao họ làm vậy?". Đừng vội áp đặt cảm tính của mình vào để nhìn, hãy nhìn vào cả quá trình và kết quả.
  3. Mỗi khi hoàn thành một công việc nào đó, luôn dừng lại để tự hỏi: mình làm vậy đã là tốt nhất chưa, có cách nào làm tốt hơn nữa hay không? Nếu lần sau gặp lại mình có làm nhanh hơn không? Cần xem lai những sai lầm đã gặp phải, ghi nhớ nó để lần sau tránh nó ra, hoặc, nghĩ ra giải pháp để khắc phục nó.
  4. Đọc sách, báo, tài liệu liên quan: Việc không ngừng đọc và tìm hiểu về lĩnh vực của mình cũng sẽ khiến bạn mở rộng phạm vi hiểu biết của mình ra để từ đó nâng tiêu chuẩn của mình lên cao hơn.

Việc nâng cao tiêu chuẩn của bản thân, nó giống 1 câu nói của các cụ ngày xưa: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Chỉ khi bản thân mình tốt lên, rồi thì mọi thứ xung quanh cũng sẽ tốt lên. full-width

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn