Làm giàu từ công nghệ ở Việt Nam?


Dạo này có thời gian rảnh rỗi nên tôi có cơ hội đi đây đi đó, gặp gỡ nhiều bạn bè trong giới công nghệ cũng như bạn bè cũ đã từng có thời gian học chung trước đây. Nhìn lại mới đó mà đã bảy năm kể từ ngày tôi chính thức bước vào con đường Công nghệ thông tin. Suốt thời gian đó tôi gần như bị cuốn vào cuộc đua công nghệ mà quên hết mọi thứ xung quanh. Giờ có thời gian rảnh ngồi chiêm nghiệm lại mới ngẫm ra được nhiều điều. Có nhiều thứ rất đỗi bình thường trong cuộc sống nhưng lại bắt đầu trở nên lạ lẫm đối với những con người công nghệ như tôi.

Sự chênh lệch "giàu nghèo"

Tôi vẫn nhớ hồi đó những người học trong lĩnh vực tự nhiên như Toán, Lý, Tin... như chúng tôi đều là những ứng cử viên sáng giá nhất trong mắt mọi người, đều nhận được nhiều sự quan tâm hỗ trợ. Rồi đa phần đều thi vào những ngành triển vọng như CNTT, viễn thông... Nhưng rồi bây giờ lại trở thành những nhân viên bình thường, yếu về khả năng giao tiếp, suốt ngày ngồi làm việc trong phòng kín gần như tách biệt với thế giới bên ngoài và đều đặn hàng tháng lãnh một mức lương không tệ nhưng so với một số ngành tiềm năng khác thì có thể nói là ba cọc ba đồng.

Trong khi những người học trong những ngành xã hội thường được xem là những ngành ít quan trọng hơn, dở hơn (mỗi lần cứ tới kiểm tra môn tự nhiên là phải tới lui "nhờ vả" những người như chúng tôi :x), sau này cũng thi vào những ngành bình thường như kinh tế, ngoại thương... Sau khi ra trường xuất phát điểm họ cũng thấp hơn, nhưng với một số người khéo léo biết trau chuốt kinh nghiệm sống và từng bước tăng cường khả năng giao tiếp với bên ngoài, chỉ trong một thời gian ngắn họ đã đi lên rất nhanh... Một số người đã đạt mức lương cao ngang ngửa với PM trong các công ty gia công phần mềm, còn những người siêu hơn trong lĩnh vực ngoại thương xuất nhập khẩu thì họ đã có đủ tiền để mua nhà và xe hơi. Trong tình hình Việt Nam là một đất nước đang phát triển như hiện nay thì tôi tin khoảng cách "giàu nghèo" này sẽ còn ngày một gia tăng hơn nữa.

Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa là tôi "bất mãn" với ngành CNTT hiện tại mình đang theo đuổi ;), bởi tôi hiểu mỗi ngành đều có giá trị của riêng nó. Nhưng thực sự tôi nghĩ một người làm trong lĩnh vực CNTT chỉ thực sự có giá trị khi anh ta phải quên đi qua ánh hào quang CNTT mà những người trong ngành vẫn hay ảo tưởng ;)), hòa nhập với cuộc sống để hiểu cuộc sống xung quanh thực sự đang mong muốn điều gì, giao tiếp với những con người trong thế giới thật để hiểu được sứ mệnh của mình nằm ở đâu trong chuỗi mắt xích phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Còn không thì những con người CNTT như chúng tôi vẫn sẽ mãi chìm trong thế giới ảo và dần sẽ có một cảm giác lạc lõng như bị bỏ rơi trong sự phát triển như vũ bão của xã hội VN ngày nay.

Làm giàu ở VN thì phải "con buôn"?

Trước một viễn cảnh khá u ám của các dot-com Việt Nam hiện nay, tôi cũng đã quyết định đi "thỉnh giáo" một số sư huynh thành đạt ở Việt Nam bên các lĩnh vực khác để xem liệu có những lối ra nào cho lĩnh vực này. Cũng có khá nhiều ý kiến được đưa ra, nhưng tựu trung lại thì có vẻ như là: Em muốn làm giàu ở Việt Nam thì đôi lúc cũng phải ...con buôn một tí :">. Tôi cũng chả biết giải thích từ con buôn thế nào nên nêu một số ví dụ minh họa hơi liên quan:

1. Công ty tôi làm ra một ứng dụng Internet giáo dục rất tốt và với sản phẩm này mọi học sinh, sinh viên Việt Nam đều có thể cơ hội học tập bình đẳng, tiếp xúc với một kho dữ liệu tri thức ngang nhau. Nghe thì ai cũng đồng ý rất hữu ích, nhưng rốt cục nó cũng chỉ đóng vai trò phụ trợ. Người dùng Việt Nam vẫn thích một môi trường học thật và quan trọng là học xong phải có "bằng cấp" và cơ hội. Và rõ ràng bài toán này là một bài toán thực tế cuộc sống, cách giải quyết đòi hỏi phải khéo léo từ kinh nghiệm từng trải, không thể trông đợi vào công nghệ.

2. Công ty tôi làm một site thương mại điện tử, bảo đảm mọi người tham gia sẽ giao dịch dễ dàng và thuận tiện. Nghe cũng có vẻ hay nhưng với thực tế xã hôi Việt Nam hầu hết đều là buôn bán nhỏ lẻ và tìm cách lách thuế thì rất ít người muốn minh bạch công khai. Giao dịch trực tiếp vẫn là cách tốt nhất, không phải tốn phí giao dịch, đôi khi gặp mặt trực tiếp nói chuyện tình cảm còn mặc cả bớt được thêm chút đỉnh ;))

3. Công ty tôi làm một ứng dụng Internet rất hay, mọi ý tưởng đều hoàn hảo và kỳ vọng sẽ bán được hàng. Nhưng có thể đó chỉ mới là chúng tôi nghĩ và thực tế khả năng thất bại là rất cao. Trong khi đó cũng với công sức đó, chúng tôi làm một ứng dụng demo không tốn nhiều sức lực, rồi dựa trên mối quan hệ đi tìm cách ..."gạ" một đại gia lắm tiền trong lĩnh vực đó đầu tư. Lý lẽ thuyết phục là nếu đầu tư tiền vào đây thì với kinh nghiệm của anh, cộng với năng lực của em thì khả năng thành công là rất cao. Mọi việc có vẻ rất bất ổn nhưng đôi lúc giả lại thành thật. Không ít công ty ở VN đã thành công bằng cách này.

Tựu trung lại thì làm giàu ở Việt Nam dù trong bất kì lĩnh vực nào có lẽ cũng đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm thực tế từ cuộc sống cũng như các mối quan hệ khác nhau, cộng với tính "con buôn" nữa. Điều này có vẻ khá sốc đối với một người thuần túy về công nghệ như tôi trước đây, nhưng thực sự chúng ta không thể nhìn theo mô hình thành công của các công ty như như Google, Microsoft..., nơi có những văn hóa rất khác biệt so với chúng ta. Ở Việt Nam thì phải "chơi kiểu" Việt Nam. Nghĩ tới đây có vẻ tôi cũng đã bắt đầu "con buôn" hơn rồi nhỉ ^_^

Đến bao giờ mới có một "Google của Việt Nam"?

(Hiểu theo nghĩa công ty này sẽ có được những đột phá về mặt công nghệ, chiếm lĩnh một mảng lớn thị trường trong nước với những sản phẩm đậm chất nghiên cứu táo bạo và từng bước vươn ra thị trường bên ngoài)
Đó là câu hỏi mà tôi luôn đi tìm kiếm câu trả lời trong suốt ba năm nay. Trong suy nghĩ của mình, tôi không quan trọng việc công ty đó sẽ là của mình hay là một ai đó, chỉ cần có thể là một thành viên góp phần vào sự phát triển của công ty như vậy cũng đã là một niềm tự hào rồi. Nhưng thực tế sau nhiều năm lăn lội, tôi vẫn chưa thấy một triển vọng cho điều này trong một tương lai gần. Vì sao ư?

1. Thị trường Internet Việt Nam vẫn còn quá nhỏ

Hầu hết các công ty công nghệ đều phải nắm được một thị phần rất chắc và đủ lớn trước khi có thể vươn ra xa hơn. Ở Việt Nam thì hiện tại vẫn chưa có công ty nào hội đủ yếu tố này. Ngay cả thành công như Vinagame vẫn chưa được xem là đủ khi thị trường online game dần bão hòa, sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ cũng như hướng đi của họ khó lòng vươn ra bên ngoài.

2. Trình độ nhân lực kém

Vấn đề này thì có lẽ mọi người trong ngành đều đã hiểu rõ. Ngoài ra khả năng tập trung của người Việt Nam còn rất hạn chế, cũng dễ hiểu khi đa phần đều bị chi phối bởi những lý do cá nhân như: gia đình, bạn bè, lương bổng, nhà cửa...

3. Khả năng liên kết giữa những người giỏi hạn chế

Ở Việt Nam thực sự không có nhiều người giỏi với khả năng lãnh đạo tầm cao. Và thực sự khả năng liên kết giữa những con người này với nhau còn rất hạn chế, hầu hết đều khó có thể sống chung trong một môi trường và dần phải tách ra. Có lẽ do một số yếu tố về văn hóa cũng như chúng ta không được trang bị những cơ chế để làm việc hợp tác hiệu quả như ở các nước khác.

Một dẫn chứng rõ ràng là hãy nhìn thử vào các công ty dot-com VN hiện nay, gần như số công ty có được 3 người thực sự giỏi làm việc đoàn kết trở nên có thể nói là rất rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và các công ty này đa phần cũng chỉ chăm vào sản phẩm và thị trường mà ít chú trọng với việc làm sao để mở rộng đội ngũ nhân sự cấp cao của mình.

4. Môi trường vĩ mô thiếu cơ chế hỗ trợ

Mỹ có những Microsoft, Google... bởi một phần họ có những cơ chế cho những cá nhân xuất sắc tự xây dựng đế chế của riêng mình và thực sự chính phủ của họ có nỗ lực để khuyến khích đẩy mạnh nhưng ngành như vậy. Còn ở Việt Nam thì mọi thứ đều phải nằm dưới sự khống chế của nhà nước, không ai thích nếu bạn muốn làm một cái gì đó lớn (điều tôi nghe từ một nhóm người kinh doanh nước ngoài).

Về mặt CNTT thì thực sự chính phủ cũng không mặn mà với các công ty Internet hiện nay, có thì tốt mà không có cũng chả sao. Bởi điều mà VN cần quan tâm hiện nay là đẩy mạnh tin học hóa bộ máy quản lý nhà nước và xây dựng đội ngũ hùng hậu gia công cho nước ngoài. Đây là quan điểm tôi cũng đồng tình, có lẽ vấn đề mâu thuẫn nằm ở chỗ chúng tôi, những người làm CNTT được đào tạo để làm điều đó mà lại ...không hiểu điều đó. Thấy chán trong lĩnh vực này nên muốn làm một cái gì đó lớn lao hơn, kết cục là va vào rất nhiều chướng ngại và rào cản.


Trước tình hình như vậy thì trong bức tranh chung CNTT và kinh tế VN khá tươi sáng thì viễn cảnh cho những cá nhân theo ngành này chẳng hề dễ dàng chút nào. Tuy nhiên tôi tin là vẫn có những hướng ra triển vọng cho những người như chúng tôi. Vấn đề là tôi buộc phải thay đổi để đặt mình lại đúng vị trí cho phù hợp với sự phát triển tốc độ của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và quay trở lại vấn đề này sau loạt bài về các dot-com Việt Nam ;)

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn