Đi tìm những dot-com Việt Nam tiềm năng (5): Mưu đồ bá vương của các mạng xã hội Việt Nam

Mạng xã hội, một lĩnh vực chưa có nhiều tiềm năng về mặt thương mại trong thế giới Internet, nhưng cuộc chạy đua trong lĩnh vực này cũng không kém phần khốc liệt bởi hơn ai hết các đối thủ đều hiểu rằng vị trí bá chủ trong cuộc sống thế giới ảo sẽ không chỉ đem lại cho họ những thuận lợi về mặt doanh số mà còn nhiều giá trị vô hình khác.

Ở Việt Nam, từ trước đến nay cuộc chơi hầu như vẫn chỉ là sự độc diễn của Yahoo 360. Nhưng trước tình trạng Yahoo 360 đã được thông báo chính thức đóng cửa, dân cư mạng bắt đầu náo loạn trong việc di dời thì cuộc chiến này đã trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Và liệu có những cơ hội nào cho các đối thủ đến từ VN trước sự cạnh tranh khốc liệt của những đối thủ tên tuổi lớn nước ngoài trong một thế giới phẳng ngày hôm nay?


Nhóm 5: Những mạng xã hội đến từ Việt Nam



Xuất phát điểm với tham vọng trở thành một "Yahoo của Việt Nam", Timnhanh đã có những nỗ lực lớn để nhanh chóng biến mục tiêu của mình thành hiện thực. Tôi nhớ hồi đó có nghe một trong những lãnh đạo của họ thể hiện quyết tâm sẽ khiến cho mọi người trong giới công nghệ phải biết đến Timnhanh là ai ;). Và thực sự họ đã làm được điều đó, khoảng thời gian đầu năm 2007 có thể nói là thời kì hoàng kim của họ. Nếu lúc đó họ quyết định bán công ty, có lẽ họ đã trở thành một trong những công ty dot-com thành công nhất của Việt nam.

Nhưng Timnhanh vẫn trung thành với chiến lược của mình, tiếp tục nỗ lực mở rộng quy mô dịch vụ cả về số lượng lẫn nội dung. Tính đến cuối năm 2007, số lượng dịch vụ của họ đã lên tới 25 và những bất lợi cũng đã đến với họ từ đây. Do phải dàn trải quá nhiều sức lực trên các mặt trận nên họ không có lực để tập trung cho từng sản phẩm cụ thể. Lần lượt các đối thủ với những tính năng chuyên biệt tốt hơn ra đời sau đó đã khiến cho Timnhanh trở thành một mớ hỗn độn khổng lồ, không thể bỏ đi nhưng cũng không thể mãi đốt tiền vô vọng.

Trước tình trạng như vậy, họ đã quyết định tập trung vào một số sản phẩm chủ lực như những con bài quyết định. Một trong những sản phẩm đó là Yume, với hi vọng trở thành một mạng xã hội lớn ở Việt Nam trên cơ sở tận dụng lại một số dịch vụ mà họ sẵn có như Blog, Nhạc, Video, Ảnh. Và họ đã có rất nhiều nỗ lực thực tế cho sản phẩm này như liên kết hỗ trợ cuộc thi Vietnam Idol, lôi kéo nhiều người nổi tiếng sử dụng sản phẩm của mình...

Nhưng đứng ở quan điểm một người sử dụng, tôi vẫn có cảm giác như Yume vẫn chỉ là một sản phẩm lạc lõng giữa mớ sản phẩm hỗn độn của Timnhanh hiện nay. Kinh nghiệm thực tế các mạng xã hội thành công trên thế giới đều là các sản phẩm rất tách biệt. Ngoài ra, các tính năng trên Yume cũng chưa thực sự chuyên nghiệp, chưa làm người sử dụng có một cảm giác pro khi sử dụng sản phẩm này. Có thể Yume vẫn có một lượng người dùng lớn, nhưng tôi nghĩ hầu hết sẽ là tầng lớp teen và không phải là những khách hàng trung thành. Chỉ cần có một mạng xã hội với nhiều tính năng mới "xì-tin" quét qua sẽ cuốn đi phần lớn lượng khách hàng Yume gầy dựng được và biến họ trở thành dĩ vãng.





Nếu Yobanbe không phải là sản phẩm của Vinagame thì có lẽ nó sẽ không gây ầm ĩ trong cộng đồng mạng và hao tốn nhiều giấy mực của báo chí đến thế.

Xuất phát với một cách thức copy gần như toàn bộ giao diện của Yahoo 360 nên với những ai đã quen với Yahoo 360 thì chẳng có lý do gì để họ phải chuyển sang mạng xã hội này, cho dù Yobanbe có thực hiện PR nhiều đến đâu đi nữa. Chính vì vậy mà tôi nghĩ lượng khách hàng mà Yobanbe có hiện nay đa phần là xuất phát từ những sản phẩm khác của Vinagame. Nên giống với Yume, Yobanbe cũng sẽ không có được nhiều khách hàng trung thành và nhiều khả năng họ cũng sớm trở thành dĩ vãng. Tuy nhiên, Yobanbe lợi thế hơn Yume ở chỗ đứng đằng sau họ là đại gia Vinagame lắm tiền nhiều của, trong khi Yume vẫn còn phải sống nhờ tiền đầu tư và không biết đến bao giờ mới có nguồn thu.

Trong quan điểm của tôi, bộ ba sản phẩm 360 Plus - Yume - Yobanbe rất giống nhau về mặt cấu trúc, hình thức trình bày, cũng như cả cách quản lý vẫn còn chưa chuyên nghiệp của đội ngũ Việt Nam, không như Yahoo 360 hay các sản phẩm quốc tế khác. Nếu đứng trước ngã ba đường như thế, tôi tin chắc phần lớn người dùng sẽ chuyển sang 360 Plus vì ít ra nó cũng là hậu duệ của Yahoo 360, hơn là Yume và Yobanbe là các sản phẩm ít nhiều copy lại, nên thực sự không có nhiều cơ hội cho hai sản phẩm Việt Nam này. Dĩ nhiên đó cũng mới chỉ là dự đoán nên hãy cùng chờ xem những "mưu tính" của hai mạng này trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng sắp tới ;)



Đứng ở góc độ một người làm về công nghệ, chắc chắn tôi sẽ nghiêng hoàn toàn về Tamtay bởi họ là một đối thủ có nhiều sản phẩm nổi bật về mặt công nghệ mà không một mạng xã hội nào khác của Việt Nam có được. Ngoài ra họ cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm công nghệ OpenSocial, đây là một dự định rất táo bạo bởi nếu thành công thì rất nhiều widget của các nhà phát triển khắp thế giới có thể dễ dàng được nhúng vào trang các thành viên trong mạng Tamtay. Đây sẽ không chỉ là bước tiến lớn về mặt công nghệ mà sẽ còn giúp họ thu hút thêm nhiều thành viên gia nhập vào hệ thống của mình.

Tuy nhiên về mặt kinh doanh tiếp thị thì có vẻ như Tamtay không có nhiều kinh nghiệm như các đối thủ khác. Số lượng các sản phẩm của họ cũng ngày một nhiều hơn nhưng khá rời rạc, không có một core value cụ thể. Nhìn vào Tamtay, tôi có một cảm giác họ vừa giống Facebook nhưng lại hơi có tính "tham lam" như nhiều website giải trí khác của Việt Nam hiện nay, muốn gom tất cả các dịch vụ vào site mình: Video, Ảnh, Nhạc, Blog, Rao Vặt... Do đó, tôi nghĩ nếu tiếp tục với hướng đi hiện tay, Tamtay sẽ đi vào ...vết xe đổ của những sản phẩm đi trước, biến site mình thành một mớ hỗn độn và không biết bao giờ mới có đầu ra trong khi nguồn đầu tư cũng ngày một cạn dần!





Tôi tình cờ biết đến Cyvee thông qua sự giới thiệu của một người bạn, vào khoảng đầu năm 2007. Được giới thiệu đây là một mạng dành cho các "nhân viên cổ trắng", nhưng tôi thì hiểu đơn giản là mạng dành cho các chuyên gia như khẩu hiệu "Connecting professional" của Cyvee, nên cũng đã đăng ký với hi vọng vào đây có thể làm quen và giao lưu với một cộng đồng những con người chuyên nghiệp.

Lúc đầu đăng ký cũng thấy hay hay, giao diện của Cyvee khá bắt mắt và làm cho tôi cũng có cảm giác pro thực sự ;)). Nhưng sau khi đăng ký xong thì tôi ...không biết làm gì hết, bởi có lẽ cư dân mạng hồi đó đã quen với việc viết blog và cập nhật blast hằng ngày. Ngoài ra điều khiến tôi nản nhất là không làm quen được với các chuyên gia thực sự như mục đích mà Cyvee hướng tới. Hầu hết dân tham gia đều là những con người trẻ, tò mò muốn thử cái mới. Có rất nhiều SV cũng như nhiều người còn chưa chuyên nghiệp trong đó đã khiến tôi có cảm giác như mình đang rơi vào một thế giới hỗn độn. Tôi rời Cyvee từ đó.

Sau này đi giao tiếp thực tế nhiều tôi mới ngộ ra là ở Việt Nam, hầu hết những người lãnh đạo, quản lý cũng như chuyên gia rất ít khi tham gia mạng xã hội bởi họ đều là những con người khá bận rộn, hơn nữa họ đã có những sân chơi đẳng cấp của riêng mình. Chính vì vậy mà tôi nghĩ đây là yếu tố chính nhất khiến Cyvee không thể đạt tới mục tiêu mà họ trông đợi ban đầu, cho dù sau này họ có nỗ lực tung ra các sản phẩm khác như Group, Event, Jobs. Nhưng những dịch vụ này không giúp tình hình khá thêm được bao nhiêu bởi mạng xã hội mà họ đang xây dựng không có nhiều con người là những chuyên gia thực sự.

Và đến thời điểm hiện tại khi mà nguồn đầu tư đã cạn dần, tôi nghĩ còn rất ít hi vọng cho Cyvee trừ khi họ có một sự cải tiến mang tính đột phá trong hướng đi của mình.




Tôi biết CyWorld cũng vào khoảng thời điểm cùng với Cyvee (hơi tình cờ bởi có cùng chữ Cy ^^). Nghe giới thiệu là mạng này là dành cho dân teen thích thể hiện mình. Chính điều này đã kích thích một người "già" như tôi cũng muốn nhảy vào thử xem nó là cái mô tê chi ;)).

Nhảy vào thử thì đây quả là một sản phẩm khác biệt so với các mạng xã hội khác, rất xì tin theo kiểu Hàn Quốc. Mỗi người tham gia sẽ có một "ngôi nhà" (minihome) bằng ...flash của riêng mình, và người dùng sẽ có một thứ gọi là hạt dẻ để đi mùa các tài sản khác. Nói chung là mới chỉ biết tới đó, nhưng thực sự tôi nghĩ hướng đi này có vẻ không thành công ở Việt Nam bởi tôi gặp mấy teen đàn em đều hay hỏi han thì toàn thấy xài Yahoo 360 không ;). Có lẽ đó cũng là lý do mà CyWorld đã từng bước chuyển từ mô hình thuần Flash ban đầu sang mô hình web page hiện nay.

Nhưng hiện nay nhìn vào CyWorld, tôi có cảm giác họ cũng đang bắt đầu đi vào vết xe đổ như Tamtay, cũng phát triển tràn lan sang các lĩnh vực như Music, Video... và những lĩnh vực này hẳn sẽ đốt tiền nhanh hơn nữa, trong khi đầu ra vẫn chưa có nhiều triển vọng (Theo một thông tin tôi có được thì Cyworld có tới 40 server)





Mặc dù Clip không đơn thuần là một mạng xã hội như các đối thủ ở trên nhưng cũng có một ít liên quan nên cũng sẵn tiện đưa vào luôn ;)

Có thể nói Clip là một trong những website khá thành công ở Việt Nam. Xuất phát điểm ngay từ đầu với ý định trở thành một Youtube của Việt Nam và tận dụng tối đa thế mạnh nội dung và server Việt Nam, Clip đã nhanh chóng có được đầu tư và chỉ sau một năm triển khai họ đã tạo ra được một mạng lưới nội dung video đa dạng trong nhiều lĩnh vực. Bản thân tôi vẫn hay lên Clip xem lại các chương trình mà tôi đã bỏ lỡ trước đó. Nên cũng dễ hiểu khi họ chiếm được cảm tình của khá nhiều người. Nhớ lại có thời gian một vài bài báo ca ngợi Clip hết lời và xem đó là tấm gương để các website Việt Nam khác cần học tập trong việc tận dụng lợi thế bản địa của mình.

Nhưng Clip đã không gặp may khi họ dần phải đối mặt với những bất lợi cực lớn. Với việc Google thuê đường truyền từ Việt Nam kết nối trực tiếp đến hệ thống máy chủ Youtube quốc tế đã gần như biết lợi thế lớn nhất của Clip thành bất lợi cho chính họ. Ngoài ra, khi người dùng ngày càng đòi hỏi lượng băng thông nhiều hơn, thì Clip vẫn chưa tìm được một đầu ra ổn định để bù đắp những chi phí về hạ tầng của họ. Vào thời điểm năm ngoái, có lúc doanh thu họ giảm từ 300 triệu còn 75 triệu, chỉ vì khách hàng sau một thời gian quảng cáo thấy hiệu quả quảng cáo trên video thấp, không được như mong đợi (Thông tin ngoài lề, ai có chính xác xin confirm giùm ^^)

Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có được một lối thoát thực sự cho Clip, nhiều người trong giới công nghệ nghĩ họ sẽ dần sụp đổ trước một đối thủ quá lớn như Youtube. Tuy nhiên, trong suy nghĩ cá nhân của tôi, Clip xứng đáng là một trong những anh hùng dot-com của Việt Nam, xét về những giá trị mà họ đã tạo ra, cũng như việc mà họ đã dũng cảm chiến đấu trước vô vàn khó khăn như vậy. Hi vọng họ sẽ có thể tìm được một hướng đi triển vọng trong thời gian sắp tới!






Mặc dù vẫn còn nằm trong giai đoạn phát triển nhưng sẽ thật thiếu sót nếu không kể đến sản phẩm đến từ một đại gia có rất nhiều thế lực trong ngành viễn thông hiện nay, FPT.

Mặc dù dưới mắt nhiều người làm về Internet, có lẽ FPT vẫn là một người khổng lồ ngốc nghếch với nhiều sản phẩm làm ra "dổm" và rời rạc, nhưng tôi nghĩ FPT vẫn đang có được những lợi thế mà hầu như không có bất kì công ty Internet nào ở Việt Nam có được hiện nay. Và thực sự nếu họ có thể tối ưu lại mô hình như họ đã thành công ở một số bộ phận, tôi tin họ sẽ tạo ra được một sức mạnh tổng thể rất lớn và hoàn toàn có thể chấp một mớ các công ty nằm trong IDG Porfolios liên kết lại ;))

Theo thông tin tôi có được thì sắp tới họ sẽ gom tất cả những gì online rời rạc lại để thành lập một công ty lớn FPT Online với rất nhiều dịch vụ khác nhau. Và tất nhiên mạng xã hội sẽ là một trong những nền tảng quan trọng để liên kết những dịch vụ đó lại. Hãy tưởng tượng khi tham gia mạng xã hội này, bên cạnh những dịch vụ như các mạng xã hội khác, bạn còn được tận hưởng thêm các dịch vụ liên quan đến hạ tầng Internet mà FPT đang rất mạnh hiện nay và xa hơn là những dịch vụ thực tế từ các công ty con khác của FPT. Ngoài ra, nếu tổ chức tốt, FPT còn có cơ hội để trở thành một "trung tâm giao thương" của những nhóm/công ty phát triển dịch vụ mạng xã hội với người dùng như một số dịch vụ FPT Telecom cung cấp hiện nay.

Tuy nhiên đó mới chỉ là những dự đoán và để thực hiện vấn đề này không phải là một điều dễ dàng. Bởi yếu tố quan trọng nhất vẫn nằm ở những người kiến trúc sư xứng tầm chứ không hẳn là những lợi thế mà họ đang có hiện nay. Và liệu FPT có thể làm được điều đó? Chúng ta hãy cùng chờ xem :)

Tổng kết về các mạng xã hội Việt Nam
Nhìn dưới góc độ kỹ thuật, hầu hết các mạng xã hội Việt Nam đều tỏ vẻ tham lam khi ngày càng bành trướng số lượng dịch vụ cũng như nội dung không liên quan chỉ để nhằm thu hút tối đa traffic từ người sử dụng. Chính vì điều này mà chất lượng dịch vụ của các mạng xã hội trong nước đều khá kém. Nên có lẽ với những người dùng am hiểu, gần như họ sẽ lựa chọn những dịch vụ tốt hơn đến từ các đối thủ nước ngoài.

Cho nên tôi nghĩ phần lớn khách hàng của những mạng xã hội trong nước hiện nay đều là những người nghiệp dư không trung thành, có thể đến chỉ vì lý do giải trí như nhạc, phim.... Nên chính vì vậy cho dù các mạng này có nỗ lực PR bao nhiêu đi nữa, thì những user của họ vẫn có thể một ngày nào đó sẵn sàng dứt áo ra đi, khi họ muốn tìm một bến đỗ mới tốt và ổn định hơn.


Bản đồ, một trong những lĩnh vực cũng được xem là tiềm năng của thế giới Internet khi những cụm từ về GIS, Location-base, GPS... vẫn hay được đưa ra bàn thảo. Nhưng thực sự lĩnh vực này ở Việt Nam đã có thể kiếm được tiền như mọi người nghĩ? Mời mọi người cùng theo dõi phần 6: "Những bản đồ số ở Việt Nam"

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn