CNTT Việt Nam sẽ đi đến đâu

Một chủ đề lớn xuất hiện trên hầu hết các báo chí Việt Nam tuần rồi là thông qua Diễn đàn CNTT Thế Giới, chính phủ Việt Nam đã thể hiện rất rõ quyết tâm sẽ coi CNTT là ngành kinh tế mũi nhọn và sớm đưa VN thành một nước cường quốc về CNTT vào năm 2015. Trước tuyên bố khá ...hùng hồn này, thì có lẽ mỗi người sẽ có một suy nghĩ khác nhau, cả tích cực lẫn tiêu cực. Và tất nhiên một người làm trong ngành CNTT như tôi cũng không ngoại lệ. Trong đầu tôi từ trước đến nay vẫn luôn băn khoăn một câu hỏi rằng liệu tương lai CNTT Việt Nam sẽ đi đến đâu? Trở thành một đất nước hùng mạnh trong lĩnh vực này hay vẫn sẽ là một thị trường tiêu thụ các sản phẩm CNTT và cung cấp dịch vụ gia công giá rẻ như hiện nay. Đó cũng là những suy nghĩ tôi xin được chia sẻ qua bài viết này 



Thực trạng CNTT Việt Nam hiện nay

Nếu không tính tới ngành công nghiệp phần cứng và các dịch vụ cơ sở hạ tầng như viễn thông thì có thể tạm chia CNTT VN thành ba lĩnh vực: Gia công phần mềm, triển khai giải pháp và thị trường nội dung số. Và nội dung bài viết của tôi cũng chỉ tập trung vào các công ty trong các lĩnh vực này (đồng nghĩa với việc không tính tới các đại gia nhà nước như VNPT, Viettel...)

1. Với văn hóa phóng khoáng khá phù hợp với phong cách làm việc của các công ty nước ngoài, có thể nói TPHCM là một vùng đất màu mỡ cho việc gia công phần mềm hiện nay. Rất nhiều các công ty gia công phần mềm đang tập trung tại đây như CSC, TMA, Global Cybersoft, Pyramid... Hầu hết các công ty này đều là chi nhánh của các công ty mẹ nước ngoài hoặc do các thế hệ Việt Kiều quay về nước thành lập, với những mối quan hệ vững chắc và đầu ra ổn định.

2. Ngược lại với TPHCM, với vị thế là thủ đô của cả nước, Hà Nội là nơi tập trung những cơ quan đầu não của chính phủ cũng như những doanh nghiệp nhà nước lớn. Điều này đã tạo ra một thị trường sôi động trong việc triển khai các giải pháp công nghệ thông tin. Các công ty lớn có thể kể đến là: FPT, CMC, Tinh Vân, HPT... Ngoài ra còn hàng loạt các công ty quy mô trung bình và nhỏ khác, hầu hết đều dựa trên các mối quan hệ khác nhau để từng bước xây dựng và bán giải pháp của riêng mình.

3. Bên cạnh hai lĩnh vực kể trên thì trong thời gian gần đây, một lĩnh vực mới là thị trường nội dung số đang nổi lên rất nhanh, cụ thể là các dịch vụ nội dung Internet và mobile. Hầu hết các công ty thành công trong lĩnh vực này hiện nay đều nằm ở mảng thị trường trò chơi trực tuyến và dịch vụ SMS cho mobile. Các lĩnh vực còn lại như thương mại điện tử, tìm kiếm, mạng xã hội... đang phải đối mặt với những sức ì rất lớn và vẫn đang loay hoay tìm đầu ra.

Chính phủ Việt Nam muốn gì từ CNTT?

1. Với vị thế là một nước đang phát triển, có lẽ chính phủ Việt Nam rất mong có thể sử dụng công nghệ thông tin như một công cụ lợi hại để đẩy nhanh sự phát triển của đất nước mình. Điều này đã được cụ thể hóa bằng những hành động rất thực tế trong việc đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng CNTT viễn thông và trực tuyến hóa các dịch vụ công trong chương trình chính phủ điện tử. Tuy nhiên vấn đề nảy sinh nằm ở việc cơ chế nhà nước còn khá nhiều bất cập, dẫn tới bộ máy nhân sự không có được con người tốt nhất, nhiều người vào với ý định để mưu đồ lợi ích cá nhân. Chính điều này đã gây ra rất nhiều bất cập trong việc triển khai cũng như từng bước làm suy giảm uy tín của chính phủ dưới mắt người dân.

2. Bên cạnh việc đẩy nhanh tốc độ tin học hóa, một điều khác mà chính phủ cũng đang rất kỳ vọng đó là ở thị trường gia công phần mềm cho nước ngoài. Hiểu một cách đơn giản là nếu đến năm 2020, Việt Nam có thể đào tạo ra được 1 triệu người làm trong lĩnh vực này, với năng suất 20.000$/năm, thì đã có thể tính sơ VN sẽ có được doanh thu 20 tỉ $ từ xuất khẩu phần mềm. Đây thực sự là một con số rất lớn nếu so với các ngành xuất khẩu thô của Việt Nam hiện nay như Cafe, Dệt may...

Tương lai CNTT Việt Nam sẽ đi đến đâu?

Từ tình hình thực tế ở trên thì một câu hỏi được đặt ra là liệu tương lai CNTT Việt Nam sẽ ra sao và đâu sẽ là những công ty CNTT Việt Nam hùng mạnh nhất? Với kinh nghiệm từ các công ty CNTT lớn thành công từ Hàn Quốc, Nhật đều là những công ty đi rất sát với đường lối chiến lược của chính phủ, nên có lẽ với trường hợp của Việt Nam cũng sẽ không ngoại lệ.

1. Với việc muốn đẩy nhanh tốc độ ứng dụng CNTT, trong khi năng lực không đủ. Chính phủ sẽ từng bước outsource các hợp đồng lớn ra bên ngoài. Có thể dễ đoán được là những công ty lớn đang thành công hiện nay gần như sẽ tiếp tục là những công ty đảm nhận trong thời gian kế tiếp. Sẽ rất ít cơ hội để các công ty quy mô trung bình nhỏ và quan hệ tầm thấp có cơ hội chen vào.

2. Các công ty gia công cũng sẽ tiếp tục phát triển. Với lợi thế nguồn nhân lực giá tương đối "phải chăng" so với các nước trong khu vực thì Việt Nam có lẽ vẫn sẽ là điểm đến gia công của nhiều công ty nước ngoài, đặc biệt khi đã qua thời gian khủng hoảng kinh tế như hiện nay. Ngoài ra các công ty gia công cũng ý thức việc sẽ phải cố gắng từng bước chuyển qua các công đoạn gia công giá trị cao hơn để cải thiện năng suất so với tình trạng hiện nay.

3. Tuy nhiên có lẽ mảng thị trường tiềm năng nhất mà hiện chưa có nhiều dấu hiệu rõ ràng sẽ nằm ở phân khúc các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Với khoảng 350.000 doanh nghiệp và hơn 3 triệu hộ kinh doanh cá thể ở Việt Nam hiện nay, thì những công ty nào với những sản phẩm dịch vụ tận dụng tối ưu thế mạnh của mình và chiếm được thị phần lớn từ khối thị trường này sẽ tạo ra được những giá trị cực lớn. Nguồn doanh thu cũng sẽ ổn định hơn nhiều so với khối các công ty triển khai giải pháp hay gia công. Bản thân tôi nghĩ những công ty trong lĩnh vực này sẽ là lai giữa các công ty phần mềm và công ty cung cấp nội dung số hiện nay (bao gồm các công ty dot-com trong đó)

4. Ngoài ra, với những người thích "mơ mộng" như tôi thì ngoài những công ty kể trên, tôi vẫn đang nghĩ đến một cái đích xa hơn. Nếu VN có được những công ty có thể kết hợp được mô hình số 2 và số 3 thì chúng ta sẽ dần có được những công ty CNTT tầm cỡ quốc tế. Một ví dụ cụ thể, giả sử công ty của tôi đã có được một sản phẩm đặc trưng với nguồn doanh thu ổn định từ thị trường trong nước, tôi sẽ từng bước thông qua các mối quan hệ để tìm kiếm các doanh nhân Việt Kiều thế hệ thứ 2 ở thị trường Mỹ (họ hàng càng tốt ;))), những người đã sống đủ lâu để hiểu văn hóa thị trường này, để từng bước hợp tác xây dựng những dịch vụ quy mô toàn cầu. Tất nhiên tôi không có ảo tưởng mình sẽ có khả năng xây dựng một Google, Microsoft... nhưng những công ty với những dịch vụ nhỏ với giá trị tầm khoảng 50 triệu USD đổ lại thì có thể trong tầm tay, một khi tôi thực sự có được sản phẩm ứng dụng công nghệ mới đã được kiểm nghiệm tốt tại thị trường Việt Nam.

Đến đây có vẻ tôi đã bắt đầu "bay" quá xa :). Dĩ nhiên đó chỉ là những suy nghĩ hơi lạc quan của bản thân tôi, bởi cũng có thể CNTT Việt Nam sẽ phát triển theo hướng trở thành một mớ hỗn độn khổng lồ với hàng vạn người thất nghiệp phải chuyển nghề mỗi năm. Có lẽ những kết quả trái ngược này sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc liệu nền giáo dục Việt Nam sắp tới có thể tạo ra được một đội ngũ những con người làm công nghệ chất lượng tốt, cùng những doanh nhân với hoài bão lớn dám nghĩ dám làm chứ không chỉ giỏi ...PR ;)). Tương lai vẫn còn đang ở phía trước, dẫu sao chúng ta vẫn cứ nên hi vọng và hãy cùng chờ xem ^_^

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn