Vì sao "Người Việt chưa dám có tư tưởng đua tranh" ?


Hôm qua tình cờ đọc được bài phỏng vấn của TuanVietnam với anh Đặng Lê Nguyên Vũ có tựa đề "Vì sao người Việt chưa dám có tư tưởng đua tranh", tự nhiên tôi cảm thấy có một nét tương đồng với những điều mà tôi suy nghĩ trong thời gian gần đây, rằng không biết đến bao giờ Việt Nam mới có được một thế hệ công nghệ với trình độ cao, tự tin vào khả năng của mình để đưa ngành công nghiệp phần mềm sánh vai với các cường quốc CNTT trong khu vực. Nên tôi cũng làm ...một bài viết "ăn theo" để chia sẻ những suy nghĩ của mình về vấn đề này.

Theo suy nghĩ của tôi, vấn đề "Người Việt chưa dám có tư tưởng đua tranh" xuất phát từ một trong số những điểm sau đây:

1. Tầm nhìn hẹp
Hầu hết người Việt chúng ta từ lúc sinh ra và lớn lên chỉ sống quanh quẩn với gia đình trong phạm vi một thành phố nhỏ hẹp, rồi sau này vào đại học thì tập trung ở các thành phố lớn. Riêng đối với dân CNTT sau khi ra đường suốt ngày làm việc trong phòng kín, rất ít có dịp tiếp xúc với thế giới bên ngoài để mở rộng tầm nhìn và trau dồi những kỹ năng sống cho riêng mình.

Đối với người nước ngoài thì hoàn toàn khác, tôi có mấy người em họ và cháu họ ở bên Mỹ. Ngay từ năm cấp 2, họ đã có dịp tham gia những khóa học thực tế ở các bang khác nhau. Rồi lên cấp 3 và đại học thì họ có thêm các cơ hội đi thực tập ở các nước khác. Nên họ dễ có cái nhìn so sánh giữa các vùng miền, các quốc gia với nhau để hiểu rõ khả năng của mình so với những người xung quanh cũng như vị trí của quốc gia mình so với thế giới. Chính vì vậy mà sau này bước vào công việc, họ rất biết người biết ta và sẵn sàng thích nghi trong những môi trường khác nhau.

Còn người Việt chúng ta đa phần còn nghèo nên chưa có được các cơ hội như vậy, nên khi đối mặt với những chuyện này đều rất lúng túng không biết làm sao, rốt cục mất tự tin và rút lui co cụm lại chỉ chơi ...với những đồng hương của mình ;)

2. Tư tưởng ganh đua cục bộ
Tôi nhớ hồi lúc mình còn là học sinh và sau này có dịp làm thầy dạy ở một số lớp tin học, tôi có cảm nhận hầu hết các bậc phụ huynh đều có mong muốn làm sao để con em mình có được những khả năng ...vượt trội so với các học sinh cùng lớp hay trong cùng một tập thể. Rất ít phụ huynh có được mong muốn làm sao con em mình có thể phát triển một cách toàn diện, có thể sống hòa đồng với mọi người xung quanh, cùng cộng tác cho một mục tiêu lớn nào đó. Điều này đã gây ra những ảnh hưởng rất lớn và là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khả năng cộng tác giữa những người Việt với nhau hiện nay còn rất hạn chế.

Một ví dụ cho vấn đề này là ở những công ty Việt Nam mà tôi đã từng có dịp tiếp xúc đều có tư tưởng khá cục bộ, hầu hết đều có chung suy nghĩ là mình sẽ tự làm mọi thứ và xem nhẹ việc hợp tác. Dường như mục đích của mỗi công ty hiện tại chỉ mới dừng ở việc làm sao để đưa công ty mình trở thành số một ở Việt Nam, rồi bản thân những người lãnh đạo công ty sẽ trở thành những doanh nhân trẻ thành đạt. Còn vấn đề cùng cộng tác để góp phần đưa Việt Nam từng bước vươn ra bên ngoài vẫn còn là một điều gì đó xa vời và chưa cần thiết.

3. Môi trường giáo dục tạo ra nhiều "ảo tưởng"
Tôi vẫn nhớ hồi học sinh chúng tôi được dạy rằng "Việt Nam là một nước có nhiều rừng vàng biển bạc", "Chỉ cần quyết tâm chúng ta có thể làm được mọi thứ".... và rất nhiều thứ khác. Điều này là không sai nhưng có lẽ nó đã tạo ra rất nhiều ảo tưởng cho các tầng lớp học sinh sinh viên. Để rồi đến lúc ra trường, chỉ cần va vào một vấn đề thật của xã hội thì họ sẽ dễ dàng bị gục ngã và mất tinh thần, dẫn đến suy sụp ý chí vươn lên.

Nhớ lại trước khi ra trường, có nhiều bạn bè xung quanh tôi có những khát vọng rất cao đẹp cho xã hội và mọi người xung quanh. Nhưng rồi vài năm sau nhìn lại, tất cả dường như đã thay đổi rất nhiều, hầu hết đều đã nhận ra được sự "phũ phàng" của cuộc sống và chỉ còn một mong muốn yên phận, rồi làm sao bàn tính để kiếm nhiều tiền cho cuộc sống khá hơn (Có vẻ như tôi cũng dần bị cuốn vào guồng xoáy này ^^)


Do đó tôi nghĩ để có được "những người Việt có tư tưởng đua tranh" trong một xã hội như thế này hoàn toàn không phải là một điều dễ dàng. Có lẽ chỉ có những người với một ý chí sắt đá, dám nghĩ dám làm như anh Vũ mới có thể ủi hết những chướng ngại để luôn vững bước trên con đường ước mơ của mình. Chính những người như vậy sẽ từng bước tạo nên những ảnh hưởng nhất định để xã hội thay đổi ngày một tốt hơn và là một tấm gương cho thế hệ sau có thể tiếp tục tiếp bước. Mong rằng đến một lúc nào đó, Việt Nam sẽ có được một thế hệ "người Việt có tư tưởng đua tranh" thực sự.

Tự nhiên đến đây tôi lại có thêm niềm tin để tiếp tục trên con đường công nghệ chông gai của mình, dù không biết mình sẽ còn phải ..."gặm bánh mì" thêm bao lâu nữa ^_^

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn