Điện ảnh và cuộc chinh phục văn hóa toàn cầu


Mấy tháng gần đây tôi có thêm một niềm vui mới. Vào mỗi buổi tối sau những giờ làm việc mệt mỏi, tôi đều download các phim mới, phim hay, phim HOT trên mạng. Khi đã coi hết phim HOT trên mạng, tôi còn về tìm xem lại những bộ phim của những tháng trước đây

Trong các thể loại phim được trình chiếu thì có lẽ phim Mỹ phải chiếm đến 80% lịch chiếu ở các rạp. Tiếp đến là phim Trung Quốc, Hàn Quốc, thỉnh thoảng lâu lâu lại xuất hiện một vài phim Việt Nam. Phải công nhận các bộ phim ngày càng được trau chuốt một cách công phu hơn, hấp dẫn khan giả hơn. Không chỉ đơn thuần mang tính giải trí, nhiều bộ phim còn có những giá trị nhất định mà tôi cảm thấy mình có thể học hỏi. Nếu như những bộ phim Mỹ giúp tôi hiểu thêm nhiều về văn hóa Mỹ, cách action kiểu Mỹ thì những bộ phim Trung Quốc lại cho tôi một cái nhìn sâu hơn về việc tận dụng nền văn hóa lâu đời của họ trong việc chinh phục khan giả toàn cầu.

Đó là vệ nội dung, còn về kinh phí làm phim cũng thật kinh khủng. Hầu hết các phim lớn của Mỹ đều có kinh phí ít nhất từ 100 triệu USD trở lên, một số phim đặc biệt còn lên tới 200-300 triệu, thậm chí còn cao hơn nữa . Trung Quốc cũng không kém cạnh khi họ đã bắt đầu có phim lên tới 80 triệu USD. Đây quả là một con số khổng lồ nếu như thử làm một phép so sánh với một quỹ đầu tư mạo hiểm CNTT lớn nhất ở Việt Nam hiện nay là IDG. Họ đã đầu tư vào rất nhiều công ty Internet ở Việt Nam nhưng tổng ngân sách của họ chỉ có 100 triệu USD, chưa bằng kinh phí một bộ phim ở trên

Tất nhiên kinh phí bỏ ra lớn thì lợi nhuận cũng không hề nhỏ. Hầu hết các film thành công đều đạt doanh số gấp trung bình 2-3 lần kinh phí bỏ ra. Đó là chưa kể còn việc phát hành DVD, các sản phẩm ăn theo... Nhưng có lẽ quan trọng hơn hết, những bộ phim lớn như vậy sẽ từng bước mang những nét văn hóa đặc trưng của họ ra môi trường toàn cầu và sẽ đem lại cho đất nước họ những giá trị vô hình cực lớn. Không phải hiện tại Việt Nam bị ảnh hưởng rất nhiều bởi văn hóa Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ đó sao? Và số lượng sản phẩm của các nước này nhập vào nhập vào Việt Nam hằng năm thì hẳn chúng ta đều biết

Trông người mà nghĩ đến ta. Có lẽ cũng như CNTT, điện ảnh Việt Nam vẫn còn bị lạc hậu khá xa so với trình độ chung của thế giới. Tuy nhiên gần đây đã dần có được những điểm sáng đầu tiên. Một trong những số đó phải kể tới Dòng máu anh hùng, một cú hích thực sự của điện ảnh Việt Nam . Mặc dù kinh phí chỉ mới là 1.5 triệu USD (=1/150 so với Mỹ, 1/50 so với Trung Quốc) nhưng cách họ làm phim đã thể hiện tính chuyên nghiệp rất cao. Họ trau chuốt từng chi tiết và cố gắng đạt chất lượng ngang tầm với các bộ phim nước ngoài, chủ đề chọn cũng rất phù hợp để có thể dễ dàng tiếp cận công chúng bên ngoài (hầu hết các nước khác đều chỉ biết đến Việt Nam là một nước chiến tranh). Không chỉ dừng lại ở đó, sau khi làm xong, họ cũng “lăng xăng” trong việc đem phim tham gia vào các triển lãm phim quốc tế, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới

Đối với riêng bản thân tôi, một khán giả Việt Nam bình thường, thì những bước đi như vậy thật đáng trân trọng và khiến tôi cảm thấy thực sự tự hào . Và chắc chắn tôi sẽ luôn là một khán giả trung thành cho những bộ phim Việt Nam như vậy (mặc dù giá vé cao hơn hẳn các phim ngoại khác ). Hi vọng rằng trong 5-10 năm nữa thôi, Việt Nam sẽ có được những bộ phim đầu tư công phu hơn gấp nhiều lần hiện nay (vào cỡ 10 triệu USD), được nhiều người Việt Nam đón nhận và góp phần mang văn hóa Việt Nam chinh phục khán giả toàn cầu. Liệu đây có phải là một giấc mơ không nhỉ?

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn